VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhu cầu thịt lợn dịp Tết thấp hơn mọi năm

Nhu cầu thịt lợn dịp Tết thấp hơn mọi năm

14:23 - 18/01/2022

Tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay được dự báo tăng 10 – 12% so với các tháng nhưng không cao như mọi năm.

Cách đây 2 tháng, giá lợn hơi liên tục lao dốc do nguồn cung dư thừa, lợn quá lứa tồn đọng với số lượng lớn. Có thời điểm, giá lợn hơi xuống dưới mức 40.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Tuy nhiên, hai tuần đầu tháng 1/2022, giá lợn hơi đã tăng mạnh 6.000 – 7.000 đồng/kg, từ mức 46.000 – 47.000 đồng/kg lên mức 52.000 – 55.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá lợn hơi đi lên do nhu cầu tiêu thụ thịt cho chế biến các món ăn truyền thống như giò, chả… tăng. Các tỉnh, thành thích ứng với dịch Covid-19 cũng thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn cao hơn, cân bằng với giá lợn sản xuất ra. Ngoài ra, các quốc gia lận cận như Thái Lan đang có nhu cầu nhập lợn hơi từ Việt Nam. Hiện, giá lợn hơi xuất sang Thái Lan đang ở mức 83.000-84.000 đồng/kg và có dấu hiệu còn tăng nữa.

Đến hết năm 2021, tổng đàn lợn của cả nước vẫn ổn định ở mức 28,1 triệu con, cao hơn khoảng 6% so với năm 2020. Trong đó, 16 doanh nghiệp lớn chiếm 23-24% sản lượng, tương đương 6,5 triệu con. Với mức giá 52.000 – 55.000 đồng/kg, các doanh nghiệp lớn có lãi khoảng 13.000 – 16.000 đồng/kg, còn các doanh nghiệp nhỏ, chăn nuôi nông hộ có mức hòa vốn hoặc lãi ít vì chi phí chăn nuôi tăng mạnh, riêng giá thức ăn chăn nuôi năm qua tăng 15 – 36%.

Sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay

Về tình hình tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, với số lượng đàn lợn như hiện nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong dịp Tết. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp Tết năm nay dự kiến tăng 10 – 12% so với bình thường nhưng sẽ vẫn thấp hơn so với mọi năm do thu nhập người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, người dân có thể “bán non” (khoảng 80kg/con thay vì 100 – 120 kg/con) trong dịp sát Tết Nguyên đán nếu giá tăng cao.

Dự báo chung cho năm 2022, các chuyên gia cho rằng thị trường chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục khó khăn bởi dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp. Theo đó, dưới tác động của dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19 trong suốt 3 năm qua, số nông hộ nuôi lợn giảm hơn một nửa, từ 4 triệu hộ xuống dưới 2 triệu hộ.

Mặc dù vậy, nông hộ nuôi lợn hiện vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 40%, còn lại là trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi theo quy mô lớn. Đây cũng là rào cản lớn khiến thịt lợn đông lạnh của Việt Nam chưa thể xuất khẩu đi các nước do việc đảm bảo an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc còn rất khó khăn.

Trước câu hỏi liệu rằng giá lợn hơi Việt Nam trong năm 2022 có tăng mạnh giống như Thái Lan do thiếu hụt nguồn cung không, Nguyên Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng điều này không quá lo ngại bởi nguồn cung thịt lợn Việt Nam vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

Dù Việt Nam và Thái Lan giống nhau khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng kép dịch tả heo châu Phi và dịch Covid-19 nhưng Việt Nam có các doanh nghiệp chăn nuôi chuyên nghiệp đã đầu tư bài bản hơn và mở rộng quy mô nuôi. Tỷ trọng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của Việt Nam hiện chỉ ở 40%, thấp hơn nhiều với Thái Lan là 95% và cán cân cung – cầu thịt lợn ở Việt Nam vẫn đang cân bằng.

Giá bán lẻ thịt lợn Thái Lan vẫn đang không ngừng “nhảy múa” và đã tăng gấp đôi lên 250 baht/kg (khoảng 170 nghìn đồng/kg) chỉ trong vòng vài tháng do thiếu hụt nguồn cung. Hiệp hội Chăn nuôi Thái Lan cho rằng giá có thể tăng lên 300 baht/kg (khoảng 203 nghìn đồng/kg) trước thềm Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng mạnh.

Theo Cục phát triển chăn nuôi Thái Lan (DLD), giá thịt lợn Thái Lan có thể mất từ 8 tháng đến 1 năm để quay trở về mức bình thường. Điều này khiến Thái Lan hồi đầu tháng 1/2022 đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lợn hơi trong vòng 3 tháng nhằm hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước. Thái Lan hiện xuất khẩu khoảng 5% tổng sản lượng lợn hơi sang các thị trường lân cận trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.