VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 18/1: Gần 200 mã giảm sàn

Chứng khoán 18/1: Gần 200 mã giảm sàn

16:00 - 18/01/2022

Giao dịch ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục diễn ra rất tiêu cực. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá giúp kìm mức giảm của VN-Index.

Nhà đầu tư tiếp tục ồ ạt bán tháo cổ phiếu đầu cơ trong phiên hôm nay. Nhưng một số mã blue chip hồi phục, giúp VN-Index giảm ít hơn so với hôm qua.

Mất hơn 10 điểm ngay từ khi mở cửa, VN-Index trải qua một số nhịp rung lắc, có lúc gần trở về mốc tham chiếu, nhưng cũng có lúc mất gần 30 điểm. Chỉ số tăng 15 điểm trong khoảng 30 phút cuối phiên, giúp thu hẹp mức giảm về 13,90 điểm, tương đương 0,96%. VN-Index đóng cửa ở mức 1.438,94 điểm.

Lực bán tập trung vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ mang tính chất đầu cơ, với các chỉ số VNMidcap và VNSmallcap giảm lần lượt 2,88% và 4,09%. Trong khi đó, cổ phiếu blue chip ghi nhận giao dịch tương đối tích cực, khi có 19 mã tăng giá trong nhóm VN30, mặc dù VN30-Index giảm 0,10%.

HNX-Index, chỉ số tăng mạnh trong năm 2021 nhờ cổ phiếu đầu cơ, nay chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi nhà đầu tư rút vốn khỏi những mã này. Chỉ số này giảm 5,42% trong phiên hôm nay xuống 421,21 điểm. Chỉ trong 2 tuần qua, HNX-Index đã mất 14,7%. UPCoM-Index cũng giảm phiên thứ 5 liên tiếp về mức 107,47 – thấp nhất trong hơn 2 tháng.

Thị trường tiếp tục ghi nhận hàng trăm mã giảm sàn, cụ thể là 176 mã trong hôm nay, trong số 738 mã giảm ở cả 3 sàn, so với chỉ 227 mã tăng.

Diễn biến cổ phiếu bất động sản ở HoSE và HNX ngày 18/1. Nguồn: Vietstock.

Diễn biến cổ phiếu bất động sản ở HoSE và HNX ngày 18/1. Nguồn: Vietstock.

Các mã giảm sàn vẫn tập trung vào nhóm bất động sản và xây dựng, tiếp đà suy giảm nghiêm trọng của các nhóm này bắt đầu từ đầu tuần trước. Ở HoSE và HNX, có 34 mã bất động sản và 29 mã xây dựng giảm sàn, bao gồm: DIG (-6,9%), CEO (-10,0%), TCH (-7,0%), THD (-10,0%), CII (-6,9%), BCG (-6,9%), …

Nhóm chứng khoán cũng chứng kiến đến 14 mã giảm sàn gồm VND (-6,8%), VCI (-6,9%), VIX (-7,0%), FTS (-6,9%) … Việc nhóm này giảm mạnh hàng đầu thị trường trong 2 phiên đầu tuần cho thấy nhà đầu tư lo ngại khả năng đà giảm của cổ phiếu bất động sản có thể kéo theo cả thị trường.

Các cổ phiếu họ FLC như FLC (-7,0%), ROS (-7,0%), AMD (-7,0%) … tiếp tục giảm sàn và đã mất hơn 40% từ đầu tuần trước, khi chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu.

Cổ phiếu dầu khí đi ngược thị trường nhờ diễn biến tích cực của giá dầu thế giới trong những ngày gần đây: PVD (+5,6%), PVS (+3,2%), GAS (+2,3%) …

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên đầu tuần, về mức 23,0 nghìn tỷ đồng ở HoSE và 27,4 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường.

Khối ngoại vẫn mua ròng tích cực khi nhà đầu tư cá nhân trong nước ồ ạt bán tháo, với giá trị lên tới 896,2 tỷ đồng hôm nay ở HoSE, cao nhất trong gần 3 tháng. STB (+136,9 tỷ đồng), SSI (+52,5 tỷ đồng) và VCB (+52,4 tỷ đồng) được mua ròng mạnh nhất; CTG (-71,2 tỷ đồng), HPG (-39,4 tỷ đồng) và VHM (-32,3 tỷ đồng) bị bán ròng mạnh nhất. Trên toàn thị trường, SGB (-267,2 tỷ đồng) ở sàn UPCoM bị bán ròng mạnh nhất.