VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thanh long Việt Nam rộng đường sang Ấn Độ

Thanh long Việt Nam rộng đường sang Ấn Độ

11:15 - 20/01/2022

Trong bối cảnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc rất bấp bênh, thanh long Việt Nam đang hướng đến đầu ra mới là thị trường Ấn Độ.

Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, điệp khúc “không thông quan”, “đóng cửa khẩu biên giới” lặp đi lặp lại khiến các vựa thanh long của Việt Nam đang bấp bênh, giá bán tụt thê thảm. Vào thời điểm này, giá thanh long mua tại vườn chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg, kể cả với thanh long được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, đang làm nản lòng người trồng.

Để phát triển đầu ra cho thanh long tốt hơn, ngày 19/1 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long tại thị trường Ấn Độ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội thanh long và Sở Công thương các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang – những tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất nước ta hiện nay.

Ấn Độ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của trái thanh long Việt Nam

Theo ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), Ấn Độ là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành đích đến tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam và Ấn Độ có nền tảng quan hệ tốt đẹp với bề dày 50 năm lịch sử, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có những bước phát triển vượt bậc. Không những thế, thị trường Ấn Độ có dung lượng gần 1,4 tỷ dân và số lượng người ăn chay, có thói quen ăn uống với trái cây đông đảo nên thực sự là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Hiện nay, Ấn Độ nhập khẩu thanh long 95% từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu.

Thống kê của Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014 – 2015 lên 52% năm 2018 – 2019 và chiếm gần 90% tổng lượng thanh long nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng gần đây.

Nhận định về thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho rằng, dù Ấn Độ cũng đã bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang nhưng sản lượng rất thấp và chất lượng thanh long Ấn Độ không ngon và ngọt như thanh long Việt Nam.

Hơn nữa, thanh long chủ yếu xuất hiện ở các khách sạn, các buổi tiệc, không xuất hiện nhiều trong các nhà hàng và nhất là tại các siêu thị, quầy bán hàng hoa quả, bán hàng rong… Nhiều người dân Ấn Độ không biết cách ăn hay chế biến loại hoa quả này. Đây chính là cơ hội để thanh long Việt Nam rộng đường vào thị trường 1,4 tỷ dân này.

Tuy nhiên, dù là thị trường tiềm năng nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết cơ hội của thị trường lớn này do khoảng cách địa lý, tiếp cận thông tin về quy định, chính sách xuất nhập khẩu cũng như chính sách phòng dịch của Ấn Độ còn hạn chế. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một thị trường thường đưa ra các chính sách mới, đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu như không được phổ biến kịp thời.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ, ông Đỗ Thanh Hải – Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, bền vững khi xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ. Mặt khác, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức thị trường Ấn Độ đối với tiêu thụ thanh long Việt Nam.

Cùng với đó, cần có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với việc xúc tiến thương mại thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ và các chương trình quảng bá lớn, đa dạng về hình thức để đông đảo người dân Ấn Độ biết đến thanh long Việt Nam.

Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến thị trường này để nghiên cứu thị trường và tương tác nhiều hơn với các đối tác Ấn Độ, xây dựng mức giá hợp lý, không cạnh tranh lẫn nhau về giá; đảm bảo chữ tín và chất lượng sản phẩm khi xuất thanh long vào thị trường này.

Đáng lưu ý, việc ký kết hợp đồng phải đảm bảo chặt chẽ, nhất là điều khoản về chất lượng, kiểm tra hàng và điều khoản thanh toán, tránh chấp nhận thanh toán trả sau để không lặp lại “vết xe đổ” từ thị trường Trung Quốc.