VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Dự án đường sắt xuyên Á của Trung Quốc gặp khó ở Thái Lan

Dự án đường sắt xuyên Á của Trung Quốc gặp khó ở Thái Lan

17:01 - 20/01/2022

Sự thờ ơ của Bangkok với kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối Lào và Thái Lan tạo ra lỗ hổng trong mạng lưới đường sắt xuyên Á của Bắc Kinh – một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á của Trung Quốc qua khu vực Đông Dương đang gặp khó khi việc xây dựng tuyến đường kết nối với Thái Lan bị đình trệ do quan hệ xấu đi và các ưu tiên khác nhau giữa 2 nước, theo Nikkei Asia.

Trung Quốc và Thái Lan đang có những ưu tiên chiến lược khác nhau.

Trung Quốc và Thái Lan đang có những ưu tiên chiến lược khác nhau.

Một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh đối với khu vực thành hiện thực vào tháng 12 gần đây khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào bắt đầu hoạt động. Bắc Kinh tài trợ 70% cho dự án trị giá 6 tỷ USD, là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đồng thời cho Lào vay để trả phần còn lại. Theo ước tính, Lào chi chưa đến 100 triệu USD.

Trung Quốc cung cấp mọi yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành tuyến đường sắt này, từ thiết kế và xây dựng đến đầu máy toa xe, hệ thống tín hiệu và chuyên môn quản lý vận hành.

Lào – quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á – từ lâu đã gặp khó khăn về kinh tế. Nhận thấy cơ hội đó, Trung Quốc thu hút nước này bằng triển vọng tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Dự án đường sắt này lần đầu tiên được công bố vào năm 2010, và bắt đầu hình thành rõ ràng sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch kết nối thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) với Singapore bằng đường sắt vào năm 2013. Công việc xây dựng tại Lào bắt đầu vào năm 2016.

Dự án đường sắt Trung Quốc – Lào hầu hết được cấp vốn và xây dựng bởi Trung Quốc.

Dự án đường sắt Trung Quốc – Lào hầu hết được cấp vốn và xây dựng bởi Trung Quốc.

Trung Quốc luôn muốn đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng mạng lưới đường sắt ở Đông Nam Á. Mục đích chính của Bắc Kinh là đảm bảo một tuyến đường vận tải trên bộ có thể thay thế cho các tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông và eo biển Malacca.

Để chiến lược này có hiệu quả, Trung Quốc cần Thái Lan hợp tác vì tuyến đường sắt phải đi qua nước này để đến Malaysia và Singapore. Một số chuyên gia ở Thái Lan đang kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng để kết nối Thái Lan và Lào bằng một tuyến đường sắt cao tốc, nhưng chính phủ lại đang tỏ ra thờ ơ.

Lý tưởng nhất, Trung Quốc muốn xây dựng một tuyến đường sắt dài 608 km nối Bangkok với tỉnh Nong Khai, ở phía bên kia sông Mekong so với Viêng Chăn. Tuyến đường này được thiết kế cho các đoàn tàu chở hành khách và hàng hóa với tốc độ tối đa là 180 km/h. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận với Bangkok vào năm 2015. Chính phủ Thái Lan vào thời điểm đó cũng rất muốn làm cho mối quan hệ có hiệu quả.

Theo kế hoạch ban đầu, Trung Quốc cam kết cung cấp vốn cho một liên doanh Trung-Thái mới để hoàn thành tuyến đường sắt vào năm 2020, trước tuyến Trung Quốc-Lào. Nhưng vào thời điểm bắt đầu xây dựng năm 2017, Thái Lan thay đổi đáng kể kế hoạch của dự án khi thấy cần thận trọng với tầm nhìn của Trung Quốc.

Lý do là Bangkok cho rằng Bắc Kinh có những yêu cầu vô lý, bao gồm các điều khoản cho vay và yêu cầu sử dụng vật liệu và công nhân Trung Quốc trong quá trình xây dựng. Trung Quốc cũng muốn có quyền phát triển các khu vực dọc theo tuyến đường sắt.

Những yêu cầu đó làm Bangkok phật ý và dự án bị cắt giảm khoảng 60%, trở thành tuyến đường sắt dài 253 km giữa Bangkok và tỉnh Nakhon Ratchasima. Nó cũng được thiết kế lại thành đường sắt cao tốc chỉ dành cho hành khách với tốc độ tối đa 250 km/h. Kế hoạch thành lập liên doanh Trung-Thái cũng bị loại bỏ vì Thái Lan phải chịu hoàn toàn tổng chi phí xây dựng là 170 tỷ baht (5 tỷ USD).

Những thay đổi này làm giảm mạnh vai trò của Trung Quốc trong dự án. Theo kế hoạch mới, Thái Lan tự tài trợ, xây dựng và vận hành tuyến đường sắt, trong khi phần thiết kế và hệ thống dịch vụ tàu cao tốc do Trung Quốc cung cấp.

Kể từ đó, dự án được tiến hành với tốc độ rất chậm chạp. Sau 4 năm, mới chỉ hoàn thành 4% tiến độ xây dựng đoạn Bangkok-Nakhon Ratchasima, mà chính phủ Thái Lan coi là giai đoạn đầu. Việc san lấp mặt bằng mới chỉ được thực hiện cho 3,5 km đường ray xe lửa gần Nakhon Ratchasima.

Sau 4 năm động thổ, chỉ có 4% đoạn Bangkok – Nakhon Ratchasima được hoàn thành.

Sau 4 năm động thổ, chỉ có 4% đoạn Bangkok – Nakhon Ratchasima được hoàn thành.

Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục xem xét kế hoạch kéo dài tuyến đường sắt tới Nong Khai trong giai đoạn 2 của dự án. Thái Lan đã tự thiết kế xong phần thứ hai, nhưng các chi tiết cụ thể của kế hoạch, bao gồm cả phương án gọi vốn, vẫn chưa có.

Thái Lan không chắc chắn về việc mở rộng tuyến đường sắt cao tốc tới biên giới Lào thông qua dự án – yêu cầu Thái Lan phải trả tiền để lắp đặt các hệ thống của Trung Quốc cùng với các chi phí khác.

Sự do dự của Thái Lan càng có cơ sở khi nước này đã có tuyến đường sắt với Lào: Tuyến Đông Bắc nối Bangkok với Nong Khai. Một phần mở rộng sang Lào – dài 3,5 km giữa Nong Khai và Thanaleng, nơi chỉ cách Viêng Chăn khoảng 20 km về phía Tây – được hoàn thành vào tháng 3/2009. Hoạt động vận chuyển hàng hóa bắt đầu vào năm 2019.

Đường sắt không phải là hình thức giao thông công cộng chính ở Thái Lan, mặc dù chính phủ có kế hoạch tăng gấp đôi số tuyến đường sắt để mở rộng năng lực. Hiện nay, đường sắt chỉ chiếm 20% lưu lượng hành khách và 2% lượng hàng hóa vận chuyển.

Theo kế hoạch ban đầu với Trung Quốc, Bangkok đánh giá rằng việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa Bangkok và Nakhon Ratchasima sẽ giúp họ giảm bớt hành khách trên Tuyến Đông Bắc và chở được nhiều hàng hơn.

Tuy nhiên, Thái Lan không nhất thiết phải có đường liên kết cao tốc giữa Nakhon Ratchasima và Nong Khai, vì việc vận chuyển hành khách dọc theo tuyến đường này không quan trọng đối với họ. Nếu không có tuyến này, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ có một lỗ hổng lớn.

Thái Lan cũng do dự vì dịch vụ đường sắt cao tốc cho hành khách đã khả thi về mặt thương mại mà không cần kết nối giữa Nong Khai và Nakhon Ratchasima. Nhu cầu về dịch vụ đường sắt đến Nong Khai sẽ không lớn do có nhiều hãng hàng không giá rẻ bay đến đó từ Bangkok và miền nam Trung Quốc.

Bên dưới những cân nhắc thực dụng này, việc mất lòng tin vào Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của Thái Lan đối với toàn bộ dự án. Thái Lan khởi xướng hợp tác song phương giữa 2 nước sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, gây ra làn sóng chỉ trích từ các nước phương Tây.

Để chống lại áp lực đó, Bangkok mời Bắc Kinh giúp đỡ mở rộng mạng lưới đường sắt của nước mình. Nhưng kể từ khi bắt đầu xây dựng giai đoạn đầu tiên của dự án, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Thái Lan đã tuyên bố rằng các giám sát viên Trung Quốc rất khó hợp tác.

Hiện tại, Bắc Kinh cần sự hợp tác của Thái Lan để hiện thực hóa Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nên Bangkok có thể dành thời gian cân nhắc thêm.