VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nền kinh tế Myanmar đang rơi tự do

Nền kinh tế Myanmar đang rơi tự do

10:22 - 13/04/2021

Nhà đầu tư bỏ chạy, doanh nghiệp gặp khủng hoảng tài chính trong bối cảnh bất ổn chính trị.

Đang sở hữu một quán trà ngay cạnh khu biểu tình trọng điểm ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, ông Soe không chắc liệu mình có nên tiếp tục mở cửa hay không.

Nếu những người biểu tình chạy vào cửa hàng để trốn tránh chính quyền, người đàn ông 43 tuổi này có nguy cơ bị bắn, bị bắt giữ hoặc bị phá hủy tài sản khi quân đội và cảnh sát truy lùng họ. Nhưng nếu ông từ chối giúp đỡ những người biểu tình, ông có thể đối mặt với làn sóng phản đối trên Facebook và bị tẩy chay. Giống như quán trà của ông Soe, hàng trăm cửa hàng ở Yangon đã trở thành nhà cộng đồng bất đắc dĩ.

“Bây giờ chúng tôi không thể mở cửa hàng hằng ngày nhưng vẫn phải trả các loại thuế, phí và tiền nhân công”, ông Soe nói. “Nhiều chủ cửa hàng ở Yangon không chắc họ có thể tồn tại thêm bao lâu nữa nếu cuộc khủng hoảng này tiếp diễn”.

Cuộc biểu tình thắp nến chống lại cuộc đảo chính của quân đội tại Tamwe, Yangon ngày 3/4.

Các doanh nghiệp nhỏ như quán của ông Soe đang ở tuyến đầu của một nền kinh tế dường như đang rơi tự do sau khi một nhóm tướng lĩnh thực hiện đảo chính vào ngày 1/2. Hơn 614 dân thường đã chết do tình hình bất ổn chính trị tính từ thời điểm đó, khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Trong khi đó, những người phản đối chính quyền quân sự đang cổ vũ việc phá hoại nền kinh tế nhằm làm suy giảm nguồn lực tài chính của quân đội.

Các hãng tàu đã tạm ngừng hoạt động do các tài xế xe tải đình công, khiến các container hàng hóa bị mắc kẹt tại cảng. Việc hạn chế rút tiền mặt khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên. Quân đội đã hạn chế truy cập internet, khiến việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn hơn. Và hàng nghìn công chức có liên hệ với những người biểu tình đang từ chối làm việc, khiến các dịch vụ công bị đình trệ.

Tất cả điều trên dẫn đến sự sụp đổ của những thành quả kinh tế mà Myanmar gặt hái được sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào đất nước này một thập kỷ trước. Một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 6% trong 10 năm qua hiện được Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ giảm 10% vào năm 2021, mức tồi tệ nhất ở châu Á khi các nước phục hồi từ khủng hoảng do đại dịch gây ra.

“Chúng tôi vô cùng quan ngại”, Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng về châu Á của Ngân hàng Thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Suy giảm 10% đối với một nước nghèo theo tôi đã là một thảm họa rồi. Và khi tính thêm tất cả các chi phí khác có ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn, tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy một viễn cảnh khá ảm đạm”.

Một số nhà phân tích đang dự báo mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn: Fitch Solutions đang dự kiến mức suy giảm 20% cho năm tài chính 2020-21. Họ cho biết số người chết gia tăng kết hợp với bất ổn xã hội nghĩa là “tất cả các mục GDP tính theo chi tiêu sẽ sụp đổ”.

“Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ trường hợp xấu nhất nào đối với nền kinh tế”, Fitch cho biết.
Hiện tại ở Yangon, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy có một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng nhỏ lẻ vẫn còn nhiều thực phẩm, giá gạo và các mặt hàng thiết yếu khác tương đối ổn định. Nhưng các dấu hiệu của suy thoái kinh tế đang xuất hiện, như tình trạng xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng và máy ATM sau khi một số ngân hàng giới hạn số tiền rút hàng ngày từ máy ATM ở mức 200.000 kyat (khoảng 3,3 triệu đồng). Nhu cầu vàng và đô la Mỹ đang tăng lên.

“Chúng tôi hiểu rằng chỉ có 10% tổng số các chi nhánh ở Myanmar đã mở cửa trở lại và chúng tôi nhận thức được việc rút tiền mặt tại các máy ATM đang gặp nhiều khó khăn”, người phát ngôn của quân đội, Chuẩn tướng Zaw Min Tun cho biết hôm thứ Sáu ngày 9/4 tại một cuộc họp báo.

Chính quyền quân sự hứa sẽ vượt qua khủng hoảng. Aung Naing Oo, bộ trưởng đầu tư của chính quyền quân sự, cho biết vào tháng trước rằng chính phủ dự kiến tác động lên đầu tư nước ngoài sẽ khá nhỏ.

Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, ảnh chụp năm 2018.

Nhưng ngay cả những doanh nhân hàng đầu ở Myanmar cũng không tin rằng đây chỉ là khó khăn tạm thời.

Maung Maung Lay, Phó chủ tịch cấp cao của Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar cho biết: “Không ai có thể đoán trước được sẽ mất bao lâu để tình hình trở lại bình thường”. “Thành thật mà nói, tương lai nền kinh tế của chúng tôi hiện nay không chắc chắn”.
Phần lớn các nhà đầu tư phương Tây đã “xa lánh” Myanmar kể từ khi xuất hiện cáo buộc diệt chủng đối với người Hồi giáo Rohingya thiểu số vào năm 2017, khiến chính phủ chuyển sang tập trung thu hút vốn từ các nước châu Á như Singapore và Trung Quốc. Nhưng mặc dù Trung Quốc đã ngăn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt sau cuộc đảo chính, Bắc Kinh vẫn tránh ủng hộ các tướng lĩnh của Myanmar, đặc biệt là sau khi một số nhà máy do Trung Quốc nắm giữ bị đốt phá trong các cuộc biểu tình.

“Bắc Kinh không hài lòng với cuộc đảo chính và hậu quả của nó, và các cuộc tấn công vào các doanh nghiệp của mình, điều này nghĩa là cả chính phủ Trung Quốc và nhiều công ty Trung Quốc sẽ không đổ xô đầu tư vào Myanmar”, tổ chức International Crisis Group có trụ sở tại Brussels cho biết trong một báo cáo trong tháng này.

Điều đó sẽ khiến chính quyền gặp khó khăn trong việc tìm cách phục hồi tăng trưởng. Theo dữ liệu của IHS Markit, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Myanmar trong tháng trước đã giảm mạnh thêm, xuống mức thấp kỷ lục 27,5 – thấp hơn nhiều so với mức trung bình 48,9 kể từ khi chỉ số này được thống kê lần đầu vào tháng 12 năm 2015. Với chỉ số này, 50 là ranh giới phân chia giữa dự báo tăng trưởng và suy giảm cầu.

Moe Thuzar, một thành viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Các tướng lĩnh đã có một tính toán sai lầm lớn khi thực hiện cuộc đảo chính”. “Họ muốn thể hiện một thái độ thân thiện hơn với doanh nghiệp – và nghĩ rằng đây lợi thế của họ so với chính phủ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ – nhưng nó đã phản tác dụng”.

Bây giờ câu hỏi chỉ là mọi thứ có thể trở nên tồi tệ như thế nào. Ngân hàng Thế giới tháng trước đã cảnh báo về “tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh”, trong khi Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết cuộc khủng hoảng “sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng mua đủ thực phẩm của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”.

Tình hình thực tế có khả năng trở nên “bế tắc” khi quân đội tìm cách giành quyền kiểm soát đường phố trong khi chiến dịch biểu tình phản đối khiến chính quyền không thể kiểm soát được phần lớn đất nước, theo Thant Myint U, tác giả của “The Hidden History of Burma: Race, Capitalism, and the Crisis of Democracy in the 21st Century ” (tạm dịch: Lịch sử Bí mật của Miến Điện: Chủng tộc, Chủ nghĩa tư bản và cuộc Khủng hoảng Dân chủ trong thế kỷ 21).

“Nền kinh tế sẽ sụp đổ, phá hủy cuộc sống của hàng triệu người. Dù có chuyện gì xảy ra sau đó, Myanmar sẽ không thể phục hồi trong nhiều năm”, ông nói.