VNReport»Kinh tế»Tài chính»IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

09:21 - 26/01/2022

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của thế giới và các nền kinh tế lớn do nguy cơ từ đại dịch, lạm phát, gián đoạn nguồn cung và việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu, cho rằng sự không chắc chắn về đại dịch, lạm phát, gián đoạn nguồn cung và Mỹ thắt chặt tiền tệ gây thêm rủi ro.

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay ở mức 4,4%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, chủ yếu là do dự báo giảm cho Mỹ và Trung Quốc”, Gita Gopinath, quan chức số 2 của IMF, viết trên một blog về bản cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới.

IMF cho biết sự lan truyền nhanh chóng của biến thể Omicron gây ra những hạn chế di chuyển mới ở nhiều quốc gia và gia tăng tình trạng thiếu lao động, trong khi gián đoạn nguồn cung thúc đẩy lạm phát. Omicron dự báo ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong quý đầu tiên, nhưng sau đó sẽ giảm dần do nguy cơ bệnh ít nghiêm trọng hơn, theo IMF.

Tăng trưởng toàn cầu dự kiến ​​chậm lại xuống mức 3,8% vào năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 10/2021. Nhưng IMF cho biết mức tăng chủ yếu là cơ học sau khi các lực cản tăng trưởng hiện tại tiêu tan trong nửa cuối năm 2022.

IMF dự báo kinh tế thế giới tăng 4,4% năm 2022, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

IMF dự báo kinh tế thế giới tăng 4,4% năm 2022, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

IMF dự báo đại dịch dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế là 13,8 nghìn tỷ USD cho đến năm 2024, so với dự báo trước đó là 12,5 nghìn tỷ USD.

IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ 1,2 điểm phần trăm do Tổng thống Mỹ Joe Biden thất bại trong việc thông qua gói chi tiêu xã hội và khí hậu khổng lồ, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó và tình trạng thiếu cung tiếp tục diễn ra. Hiện, nền kinh tế Mỹ được IMF dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022 sau khi tăng 5,6% vào năm 2021, với mức tăng trưởng tiếp tục giảm xuống 2,6% vào năm 2023.

Tổ chức này cũng hạ dự báo của Trung Quốc 0,8 điểm phần trăm xuống 4,8% vào năm 2022 sau khi tăng 8,1% vào năm 2021, với mức tăng trưởng tăng lên 5,2% vào năm 2023. IMF cho biết những gián đoạn do đại dịch gây ra liên quan đến chính sách “zero Covid” của Trung Quốc và căng thẳng tài chính kéo dài của các nhà phát triển bất động sản dẫn đến việc hạ dự báo.

IMF cũng cắt giảm dự báo đối với khu vực đồng Euro 0,4 điểm phần trăm xuống còn 3,9% vào năm 2022 và cho biết tốc độ tăng trưởng ở đó sẽ chậm lại còn 2,5% vào năm 2023.

Đối với các nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh là Brazil và Mexico, IMF cắt giảm 1,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng năm 2022. Brazil hiện được dự báo tăng 0,3% trong năm nay và Mexico là 2,8%, trong khi toàn khu vực này dự kiến ​​sẽ tăng 2,4%, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Ở chiều ngược lại, dự báo đối với Ấn Độ và Nhật Bản lại tăng lên một chút.

IMF cảnh báo rằng sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới có thể kéo dài đại dịch và gây ra những gián đoạn kinh tế mới, trong khi gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động giá năng lượng và áp lực tiền lương nội địa gây ra rủi ro hơn nữa.

Cơ quan này nâng dự báo lạm phát năm 2022 cho cả các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển, đồng thời cho biết áp lực giá cao có khả năng tồn tại lâu hơn so với dự báo trước đó do sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và giá năng lượng cao. IMF dự báo lạm phát ​​đạt trung bình 3,9% ở các nền kinh tế tiên tiến và 5,9% ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển vào năm 2022. Năm 2023, lạm phát sẽ giảm xuống với mức tăng thấp hơn của giá nhiên liệu và lương thực trong giai đoạn đó.

Theo IMF, trong khi kinh tế tiếp tục phục hồi sau cú sốc của đại dịch, tốc độ phục hồi đang có sự khác biệt lớn giữa các nước giàu và nghèo. Các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ quay trở lại xu hướng trước đại dịch trong năm nay, nhưng một số thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với tổn thất sản lượng đáng kể.

Có thêm 70 triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực sau đại dịch, cản trở tiến độ xóa đói giảm nghèo trong vài năm.

Gopinath lưu ý rằng 60% quốc gia có thu nhập thấp đang ở trong tình trạng hoặc có nguy cơ cao về nợ nần, đồng thời thúc giục nhóm G20 đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ và tạm ngừng yêu cầu thanh toán các khoản nợ trong khi đàm phán tái cơ cấu.