VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Mặc doanh nghiệp “khóc ròng”, ngân hàng vẫn báo lãi “khủng”

Mặc doanh nghiệp “khóc ròng”, ngân hàng vẫn báo lãi “khủng”

14:52 - 13/04/2021

Lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay cao đã giúp ngân hàng hưởng “lợi nhuận khủng”.

Đua nhau báo lãi “khủng”

Báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý I-2021 đều đạt mốc vài ngàn tỷ đồng. Cụ thể, HDBank vừa công bố ước tính lợi nhuận trước thuế quý I vượt 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi thu từ dịch vụ có quý thứ ba liên tiếp cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tính đến 31-3-2021, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này tăng 5,2% so với 31-12-2020.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, lãi trước thuế quý I/2021 ước đạt từ 7.000-8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Vietinbank.

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) ước đạt 698 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2020. Năm nay, SeABank dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng gần 40%, đạt trên 2.400 tỷ đồng cả năm.

Đại diện ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cho biết quý 1/2021 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong quý 1 cũng có bước tiến dài về hiệu quả kinh doanh, đạt lợi nhuận trước thuế gần 4.600 tỷ đồng, tương đương 43% kết quả cả năm 2020. Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) quý 1/2021, đạt lợi nhuận trước thuế 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

MBBank cũng cho biết, lợi nhuận của ngân hàng ước đạt trên 4.570 tỷ đồng, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,46% hồi đầu năm xuống còn 1,14%.
Mặc dù chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông nhưng lãnh đạo Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế trong quí I ước đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm là 25.200 tỷ đồng. Với lợi nhuận quý I khả quan, mục tiêu đạt lợi nhuận đặt ra của ngân hàng này trong năm 2021 là trong tầm tay.

Trong báo cáo mới đây của Khối nghiên cứu công ty chứng khoán SSI (SSI Research), ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1-2021 của nhóm ngân hàng niêm yết sẽ tăng từ 55%-65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 75%-85%, các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45%-55%. Kỳ vọng của nhà đầu tư về bức tranh lợi nhuận khủng của ngành ngân hàng cũng là lý do khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, VCB, ACB, MSB… trong quý 1 đã tăng từ 45%-55%.

SSI cho rằng, NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) của các ngân hàng quý 1/2021 tăng 0,15% so với cùng kỳ 2020. Cùng với đó, trích lập dự phòng thấp so với quý 1/2020 ở một số ngân hàng. Điều này khiến lợi nhuận tăng.

Doanh nghiệp khốn đốn vì lãi vay

Vào tháng 3/2021, sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp, lãi suất tiết kiệm trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng tư nhân lớn. Song mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp so với nhiều năm trước. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ khoảng 3%, từ 6-9 tháng còn khoảng 4-6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,3-7%/năm, giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm/năm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay được cho là giảm không tương xứng. Những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. So với đầu năm 2020, lãi vay thấp hơn 1 điểm % năm.

Theo các doanh nghiệp, mức lãi suất giảm như vậy là không đáng kể. Với cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 8%-8,7%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ từ 4%- 4,3%/năm, tính ra, lên tới từ 11,5%-12,5%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi nhưng để tiếp cận là không dễ dàng. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người phải vay với lãi cao.
Đầu năm, nhu cầu tiêu dùng chưa nhiều, nhất là dịch Covid-19 lại bùng phát, khiến các doanh nghiệp khó khăn. Thế nhưng xăng dầu tăng giá, các loại chi phí cố định như mặt bằng, lương nhân viên… cũng tăng trở lại nên nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay giảm để giảm bớt khó khăn. Nhưng có vẻ như lãi suất cho vay chẳng chịu giảm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó phục hồi và giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, giảm lãi suất là cần thiết. Nhiều doanh nghiệp vẫn trong cảnh “khóc ròng”, trong khi lợi nhuận ngân hàng tăng cao là bất bình đẳng. Các ngân hàng cần giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay cứu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các dự báo đều nhận định lãi suất huy động sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021 do lạm phát có xu hướng tăng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19/3 ở mức 1,47%, còn tăng trưởng tiền gửi là 0,54% so với đầu năm. Điều này có thể khiến các ngân hàng tới đây sẽ đẩy mạnh huy động, góp phần đẩy lãi suất tăng. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó giảm.

Và rồi sẽ thế nào khi ngân hàng cứ rộn ràng những con số tươi đẹp còn khách hàng vẫn lao đao với vô vàn khó khăn? Liệu có bền lâu và “công bằng” khi “kẻ ăn không hết người lần không ra” và thương trường đã cho thấy sẽ chẳng vui vẻ gì về mai sau nếu chỉ một bên khỏe khoắn còn bên kia ngược lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt vấn đề với các ngân hàng chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào, chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu. Có lẽ đó cũng là điều mà doanh nghiệp và cả khách hàng nhỏ lẻ muốn “gửi gắm” đến các ngân hàng, nhất là dù thời thế thế nào, dịch bệnh ra sao thì muốn sống “an toàn” lâu dài cùng nhau cũng nên chia sẻ thực sự chứ không chỉ trên bàn hội nghị.