VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»EU tiếp tục cảnh báo về mỳ của Acecook

EU tiếp tục cảnh báo về mỳ của Acecook

17:17 - 08/02/2022

EU cảnh báo sản phẩm “Đệ nhất mì gia” của Acecook Việt Nam chứa 2-chloroethanol vượt ngưỡng cho phép. Đây là lần thứ ba trong 6 tháng gần đây sản phẩm của Acecook xuất khẩu sang châu Âu bị cảnh báo.

Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa nhận được thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về một sản phẩm mì ăn liền của Acecook xuất khẩu từ Việt Nam. Đây là thông tin theo trao đổi của ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng – với Báo Lao động ngày 8/2.

Ông Nam cho biết đơn vị đã có văn bản gửi Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) về vấn đề này. Theo đó, sản phẩm bị Hệ thống công bố an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU cảnh báo là mì gói mang nhãn hiệu “Đệ nhất mì gia” do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất.

Sản phẩm "Đệ nhất mì gia" của Acecook.

Sản phẩm “Đệ nhất mì gia” của Acecook.

Sản phẩm bị cảnh báo chứa 2-chloroethanol với hàm lượng 1,6 mg/kg. Đây là lần thứ 3 sản phẩm Acecook bị cảnh báo kể từ tháng 8/2021.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Ireland thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook Việt Nam do chứa chất cấm ethylene oxide. Các sản phẩm này cũng bị cảnh báo ở Đức và Hà Lan. Sau đó, đầu tháng 12/2021, Acecook chủ động thu hồi các sản phẩm phở ăn liền Ricey, một số lô mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và mì lẩu thái bán ở Pháp vì chứa 2-chloroethanol (chất chuyển hóa của ethylene oxide) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.

“Khi đã bị lọt vào danh sách cảnh báo, các doanh nghiệp bắt buộc phải rà soát lại toàn bộ quy trình từ nguồn gốc nhập nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển, … tập trung vào các mối nguy”, ông Nam nói.

Trước cảnh báo trên, ông đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu Acecook Việt Nam báo cáo theo quy định. Căn cứ kết quả kiểm tra, đề nghị các đơn vị liên quan có văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam trong quý I/2022.

Ông Nam cũng cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi Phái đoàn EU tại Việt Nam để cập nhật tình hình thực hiện các cam kết SPS của Hiệp định EVFTA.

Theo đó, EU sẽ thống nhất các giải pháp và tiến độ để giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là thanh long và thực phẩm ăn liền.

Văn phòng SPS cũng cập nhật tiến độ thực hiện các cam kết SPS của Hiệp định EVFTA, cập nhật danh sách các doanh nghiệp nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại, cùng một số nội dung khác liên quan đến các thay đổi quy định SPS.