VNReport»Top»10 nước sản xuất dầu thô nhiều nhất

10 nước sản xuất dầu thô nhiều nhất

15:07 - 21/02/2022

Mỹ, Nga và Ả Rập Xê Út sản xuất nhiều dầu thô nhất thế giới.

Dầu thô là một trong những loại hàng hóa quan trọng nhất thế giới. Đối với nhiều nước, doanh thu từ mặt hàng này đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế quốc gia; và các nước này hưởng lợi lớn khi giá dầu tăng.

Năm 2020, tổng sản lượng dầu thô toàn cầu đạt 76,1 triệu tấn/ngày, trong đó khoảng 71% đến từ các nước trong danh sách này. Trong những năm gần đây, Mỹ, Nga và Ả Rập Xê Út luôn chiếm 3 vị trí dẫn đầu, với sản lượng khoảng 9 đến 11 triệu thùng/ngày.

Sau đây là bảng xếp hạng 10 nước sản xuất nhiều dầu thô nhất, dựa theo dữ liệu năm 2020 do Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ thu thập.

  1. Mỹ (11,3 triệu thùng/ngày)

Với sản lượng dầu thô khoảng 11,3 triệu thùng/ngày, Mỹ là nước sản xuất dầu thô nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng khai thác toàn cầu. Nếu tính cả các loại nhiên liệu dầu lỏng khác như khí ngưng tụ và nhiên liệu sinh học, nước này cũng đứng đầu thế giới với sản lượng 18,6 triệu thùng/ngày.

Mỹ trở thành nhà sản xuất nhiên liệu dầu lỏng số một thế giới kể từ năm 2013 nhờ sản lượng tăng mạnh từ các mỏ dầu đá phiến. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, nước này mới vượt Nga và Ả Rập Xê Út để đứng đầu về sản lượng dầu thô.

  1. Nga (9,9 triệu thùng/ngày)

Nga sản xuất 9,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm 2020, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng toàn cầu.

Ngành công nghiệp dầu mỏ ở Nga được tư nhân hóa sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng sau đó, nhà nước tăng cường quyền kiểm soát đối với lĩnh vực này, thông qua các doanh nghiệp lớn như Gazprom, Rosneft và Lukoil.

Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt từ năm 2014 cấm các công ty năng lượng của Nga tiếp cận thị trường vốn và công nghệ dầu đá phiến của Mỹ. Năm 2017, Nga dẫn đầu một nhóm 10 nước, kết hợp với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tạo thành nhóm OPEC+ để thiết lập hạn ngạch xuất khẩu cho các nước thành viên.

  1. Ả Rập Xê Út (9,3 triệu thùng/ngày)

Là nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, nhưng Ả Rập Xê Út xuất khẩu đến 6,7 triệu thùng dầu thô/ngày – nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Lượng xuất khẩu đó chiếm khoảng 70% tổng sản lượng 9,3 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê Út. Nước này cũng ảnh hưởng lớn đến giá dầu thông qua vai trò lãnh đạo không chính thức của OPEC.

Dầu khí là lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế Ả Rập Xê Út, chiếm khoảng 42% GDP, 87% thu ngân sách và 90% kim ngạch xuất khẩu.

  1. Canada (4,2 triệu thùng/ngày)

Canada khai thác 4,2 triệu thùng dầu thô/ngày, và ước tính có thể tăng lên 6,9 triệu thùng/ngày vào năm 2050, chủ yếu từ sản lượng cát dầu. Đây là nguồn sản xuất dầu chính của Canada, chủ yếu nằm ở tỉnh Alberta miền tây nước này và các mỏ ngoài khơi Đại Tây Dương.

Theo ước tính, trữ lượng dầu đã chứng minh của Canada lên tới 172,2 tỷ thùng, nhiều thứ 3 thế giới sau Venezuela và Ả Rập Xê Út. Nước này cũng là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 4 thế giới, với hầu hết lượng xuất khẩu đến Mỹ.

  1. Iraq (4,1 triệu thùng/ngày)

Iraq là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 trong nhóm OPEC, với sản lượng 4,1 triệu thùng/ngày. Nước này cũng có trữ lượng dầu đã chứng minh lớn thứ 5 thế giới, ở mức 140 tỷ thùng.

Mặc dù là có nguồn nhiên liệu hóa thạch lỏng khổng lồ, nhưng việc phát triển cơ sở hạ tầng dầu mỏ của đất nước gặp khó khăn trong những năm gần đây do các lệnh trừng phạt kinh tế, xung đột quân sự và biến động chính trị. Những điều này làm tổn hại đến khả năng tạo doanh thu từ xuất khẩu.

Phần lớn hoạt động khai thác dầu của Iraq diễn ra trên các mỏ dầu khổng lồ ở miền nam đất nước.

  1. Trung Quốc (3,9 triệu thùng/ngày)

Trung Quốc sản xuất được 3,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2020. Nhưng vì mức tiêu thụ lên đến 14,2 triệu thùng/ngày – xếp thứ 2 thế giới sau Mỹ – nên nước này phải nhập khẩu hơn 10 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Kể từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã là nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới. Mức tăng trưởng nhu cầu nhanh chóng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng, nhưng cũng khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu từ nước ngoài.

Hầu hết sản lượng dầu thô của Trung Quốc đến từ các khu vực vùng đông bắc và trung bắc của đất nước.

  1. Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (3,1 triệu thùng/ngày)

Các Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đạt sản lượng khai thác 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2020, đứng thứ 7 thế giới. Nước này cũng đứng thứ 7 về trữ lượng dầu thô đã chứng minh, đạt khoảng 98 tỷ thùng.

Ngành dầu khí chiếm khoảng 30% GDP của UAE. Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi kiểm soát hầu hết trữ lượng dầu của nước này, và là doanh nghiệp lớn thứ 12 thế giới tính theo sản lượng dầu. UAE là thành viên của OPEC từ năm 1967.

  1. Brazil (2,9 triệu thùng/ngày)

Brazil là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu ở khu vực Mỹ Latinh, đạt sản lượng khai thác 2,9 triệu thùng/ngày.

Năm 1995, nước này chấm dứt chế độ độc quyền nhà nước đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu. Kể từ đó, trữ lượng được chứng minh cũng như sản lượng khai thác của nước này dần tăng lên. Doanh nghiệp nhà nước Petrobras vẫn giữ vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp dầu khí Brazil.

Hầu hết hoạt động khai thác dầu của nước này là từ các mỏ ngoài khơi ở Nam Đại Tây Dương.

  1. Iran (2,7 triệu thùng/ngày)

Là một trong những thành viên sáng lập của OPEC, Iran sản xuất được 2,7 triệu thùng dầu thô/ngày trong năm 2020.

Mặc dù chiếm gần 10% trữ lượng dầu được chứng minh của thế giới, các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này khiến Iran không thể khai thác tối đa tiềm năng nguồn tài nguyên dầu khí của mình.

Trữ lượng dầu khí của Iran thuộc quyền kiểm soát của Công ty Dầu Quốc gia Iran.

  1. Kuwait (2,6 triệu thùng/ngày)

Mặc dù có diện tích nhỏ bé, nằm giữa Ả Rập Xê Út, Iraq và Vịnh Ba Tư, Kuwait có trữ lượng dầu thô đã chứng minh lên tới 104 tỷ thùng, nhiều thứ 6 thế giới, hơn cả Nga và Mỹ.

Năm 2020, nước này bơm được 2,6 triệu thùng dầu/ngày. Ngành dầu khí chiếm khoảng 40% GDP của Kuwait, khoảng 92% kim ngạch xuất khẩu và 90% ngân sách nhà nước.

Các mỏ dầu của Kuwait, bao gồm mỏ Burgan lớn thứ 2 thế giới ở miền đông nam đất nước, nằm dưới quyền kiểm soát của Công ty Dầu Kuwait thuộc sở hữu nhà nước.