VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp thiếu lao động do F0 gia tăng

Doanh nghiệp thiếu lao động do F0 gia tăng

17:46 - 04/03/2022

Số ca F0 tăng cao, nhiều nhân viên phải cách ly khiến doanh nghiệp tạm thời thiếu lao động, phải xoay xở để đảm bảo hoạt động.

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trên cả nước liên tục tăng mạnh, vượt mốc 100.000 ca/​​ngày, riêng tại Hà Nội ngày 3/3 đã lên tới gần 20.000 ca. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tạm thời thiếu lao động khi các F0 này phải cách ly tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên kế toán của một công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế, chia sẻ rằng từ Tết đến nay, công ty của chị đã có vài nhân viên bị nhiễm Covid-19 và phải xin nghỉ. Nhưng 2 tuần gần đây, ngày nào cũng có nhân viên bị nhiễm bệnh và phải cách ly tại nhà. Chị Thủy cho biết, đến nay 2/3 nhân viên của công ty đã dương tính. Có thời điểm, chỉ có 1/3 số lao động đến làm việc trực tiếp.

Tuần trước, khi chưa nhiễm bệnh, bản thân chị Thủy là kế toán nhưng phải kiêm luôn cả việc hành chính văn phòng do nhân viên của bộ phận này là F0 phải cách ly. Nhưng đến tuần này, chính chị cũng trở thành F0 và buộc phải nghỉ ở nhà. “Công việc liên quan đến nhiều loại giấy tờ không thể giao cho các bộ phận khác, cũng không thể mang về nhà làm được nên khi mình phải nghỉ sẽ bị dồn lại rất nhiều”, chị Thủy cho biết.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong những ngày gần đây.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong những ngày gần đây.

Số F0 tăng cao chỉ khiến những người không nhiễm bệnh phải gánh thêm công việc mà chính các cơ quan, doanh nghiệp có người lao động mắc Covid-19 cũng phải tìm cách xoay xở để đảm bảo hoạt động khi tạm thời thiếu nhân sự.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) cho biết rằng đến sáng 4/3, tổng số lao động là F0 chiếm hơn 1.000 trong tổng số 5.300 công nhân của đơn vị. Theo ông Hải, số lượng lao động F0 tăng nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nên đơn vị đang tính toán tuyển thêm nhân sự. Để đảm bảo hoạt động, nếu nhân viên F1 không có quyết định cách ly của địa phương mà vẫn đi làm thì phải xét nghiệm nhanh trước khi vào nhà máy.

“Công ty đang tìm mọi cách đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 cho công nhân như phát que test cho tổ Covid-19 của công ty để sàng lọc. Trong ca làm việc đảm bảo giãn cách trên 2m, hạn chế giao tiếp. Doanh nghiệp cũng phải dừng các cuộc họp trực tiếp, chỉ họp online”, ông Hải nói.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho biết, có doanh nghiệp thuộc hiệp hội ghi nhận số lượng rất lớn lao động bị nhiễm Covid-19. Thậm chí, một số doanh nghiệp có tới 30-40% lao động trở thành F0. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu lao động tạm thời ở một số doanh nghiệp, ước tính có đơn vị thiếu từ 10-20% lao động.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo sản lượng và tiến độ đơn hàng. Vì vậy, trước tình trạng thiếu hụt lao động này, nhiều doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp.

Về chế độ hỗ trợ lao động F0 phải nghỉ việc, ông Mạc Quốc Anh cho biết, tùy tình hình tài chính, một số doanh nghiệp vẫn trả lương cho người lao động nếu họ làm việc trực tuyến, nhưng chủ yếu là khối văn phòng. Đối với những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn thì phải chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.