VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá lúa mì và niken tăng kỷ lục

Giá lúa mì và niken tăng kỷ lục

15:04 - 08/03/2022

Giá các loại hàng hóa cơ bản tăng mạnh sau khi Mỹ cho biết đang cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Giá hợp đồng tương lai lúa mì và niken tăng lên mức cao kỷ lục khi Nga tăng cường tấn công vào các thành phố ở Ukraine 2 tuần sau khi phát động chiến tranh với nước này.

Theo dữ liệu của Bloomberg, giá hợp đồng tương lai lúa mì tăng 5,4% lên 13,63 USD/bushel vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Ba trước khi mức tăng được thu hẹp xuống khoảng 2%.

Còn giá hợp đồng niken tiêu chuẩn tăng hơn 13% lên mức cao kỷ lục 57.000 USD/tấn, sau khi tăng hơn 70% lên 50.300 USD trong phiên giao dịch trước đó.

Xung đột ở Ukraine khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, thúc đẩy giá hàng hóa và năng lượng lên mức cao kỷ lục, có nguy cơ khiến lạm phát cao hơn nữa và gia tăng chi phí sản xuất đối với các nguyên liệu quan trọng.

Ukraine và Nga chiếm gần 1/3 sản lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, gây lo ngại về tình trạng thiếu lương thực và khiến giá cả tăng vọt kể từ khi cuộc chiến bắt đầu gần 2 tuần trước.

Ukraine và Nga chiếm khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Ukraine và Nga chiếm khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Giá dầu tăng cao hơn sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Berlin không muốn cấm nhập khẩu hàng hóa của Nga mà ông coi là có “tầm quan trọng thiết yếu” đối với nền kinh tế châu Âu. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết rằng Washington đang thảo luận với các đồng minh châu Âu để cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Điều đó đẩy giá dầu thô Brent, chuẩn quốc tế, có thời điểm tăng 18% lên 139 USD/thùng vào hôm thứ Hai.

Dầu Brent tăng 3,8% lên 127,83 USD/thùng vào thứ Ba sau khi kết thúc phiên trước đó tăng hơn 4%. Dầu West Texas Intermediate – tiêu chuẩn của Mỹ – tăng 3% lên mức 122,96 USD.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng cao hơn khoảng 5% ở mức 215,50 euro/MWh vào thứ Hai, sau khi có lúc tăng tới 40%.

Khả năng cấm dầu của Nga đã làm chao đảo Phố Wall, khiến S&P 500 giảm gần 3% và Nasdaq Composite giảm 3,6%. Chỉ số Euro Stoxx 50 giảm hơn 1% sau khi Moscow cảnh báo về “hậu quả thảm khốc” nếu chặn dầu của họ. Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều giảm vào thứ Ba, với chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,7% và Topix của Nhật Bản giảm 1,9%.

Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa hàng đầu tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết lệnh cấm của Mỹ dưới một hình thức nào đó ngày càng có vẻ khả thi nhưng “cần chú ý đến chi tiết”. Bà cho biết thêm, việc ngăn chặn xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ đẩy giá dầu Brent lên khoảng 160 USD/thùng và “giá năng lượng sẽ ở mức cao hơn lâu hơn vì phải mất thời gian để nguồn cung có thể lấp đầy sự thiếu hụt”.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro xác nhận rằng chính phủ của ông đã hội đàm với các quan chức cấp cao của Mỹ – cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa 2 nước kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2019. Các cuộc thảo luận được tổ chức khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng thay thế nếu thắt chặt lệnh trừng phạt đối với nhiên liệu từ Nga.