VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga

Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga

09:39 - 09/03/2022

Động thái trừng phạt bổ sung này nhiều khả năng đẩy giá nhiên liệu ở Mỹ và thế giới lên cao hơn nữa.

Mỹ quyết định cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng bao gồm dầu và khí đốt từ Nga để trừng phạt nước này vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Điều này nhiều khả năng gây thêm áp lực lên giá xăng dầu vốn đã ở mức kỷ lục và đà phục hồi kinh tế của Mỹ.

Theo một lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hôm thứ Ba, nước này ngay lập tức cấm các chuyến hàng mới của Nga vận chuyển dầu, một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá đến Mỹ. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Washington cho các doanh nghiệp 45 ngày để kết thúc hợp đồng hiện có đối với nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Lệnh này cũng cấm đầu tư mới của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng của Nga và ngăn chặn người Mỹ tài trợ cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.

Các chính phủ châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga, có động thái của riêng họ vào thứ Ba, mặc dù không nghiêm khắc như Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khoảng 8% lượng nhập khẩu dầu và các chế phẩm của Mỹ (tương đương khoảng 672.000 thùng/ngày) đến từ Nga trong năm ngoái.

Mỹ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu và các chế phẩm mỗi ngày từ Nga.

Mỹ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu và các chế phẩm mỗi ngày từ Nga.

Ông Biden cho rằng lệnh cấm có thể sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn nữa nhưng cho biết đây là một phần quan trọng trong chiến dịch nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt cuộc tấn công ở Ukraine. Nga là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và động thái này – cùng với một loạt các lệnh trừng phạt khác từ Mỹ và phương Tây – nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế của Nga.

“Đây là một bước mà chúng ta đang thực hiện để gây thêm đau đớn cho Putin”, ông Biden nói tại Nhà Trắng. “Nhưng cũng sẽ có chi phí ở Mỹ”.

Lệnh cấm nhiều khả năng khiến giá xăng dầu còn tăng cao hơn nữa và gây thêm áp lực cho các hộ gia đình Mỹ vốn đã chịu mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Các nhà kinh tế ước tính rằng tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 – dự kiến công bố vào thứ Năm – sẽ lên gần 8%, tăng hơn nữa so với tháng trước đó mặc dù chỉ bao gồm một phần sự gia tăng giá năng lượng gần đây.

Đa số người Mỹ (79%) cho biết họ ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, ngay cả khi điều đó làm tăng giá năng lượng ở Mỹ, theo một cuộc thăm dò mới của Wall Street Journal, trong khi 13% nói rằng họ phản đối. Mặc dù Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nước này vẫn nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày từ các khu vực khác trên thế giới.

Các đồng minh phương Tây cũng đã hành động. Liên minh châu Âu cho biết có kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga vào cuối năm nay. Anh cho biết sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga, hiện đang chiếm 8% nhu cầu của nước này vào cuối năm nay. Chính phủ Anh cũng đang tìm kiếm các phương án để chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga.

Mỹ chỉ phụ thuộc vào Nga một phần nhỏ trong nguồn năng lượng của mình, và các doanh nghiệp Mỹ đã giảm mạnh nhập khẩu từ nước này trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, viễn cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn càng khiến giá dầu thô tăng. Dầu thô Brent – tiêu chuẩn toàn cầu – tăng lên gần 133 USD/thùng vào thứ Ba trước khi giảm xuống khoảng 128 USD/thùng vào cuối ngày.

Giá xăng ở Mỹ tăng lên mức kỷ lục theo đà tăng của thị trường năng lượng thế giới.

Giá xăng ở Mỹ tăng lên mức kỷ lục theo đà tăng của thị trường năng lượng thế giới.

Giá dầu cao hơn đang ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá trung bình của một gallon xăng thông thường tăng 55 cent trong tuần qua lên 4,17 USD vào thứ Ba (25.000 đồng/lít) – một kỷ lục nếu không tính điều chỉnh lạm phát.

Ông Devin Gladden – một phát ngôn viên của AAA – cho biết giá cả chắc chắn sẽ tăng hơn nữa trên khắp đất nước. “Thông thường sẽ mất vài ngày để điều đó lan sang chuỗi cung ứng chế biến và sản xuất xăng dầu”, ông nói. “Nhưng với tốc độ tăng giá mà chúng ta đã thấy trong vài tuần qua, những đợt tăng giá đó có thể đến nhanh hơn nhiều”.

Chi phí cao hơn có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới để kiềm chế lạm phát.

Một số nhà kinh tế cho biết cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và theo đó là giá dầu tăng sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế Mỹ trong năm nay. Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng về châu Mỹ tại Natixis, cho biết trong một lưu ý cho khách hàng: “Nguy cơ mắc lỗi chính sách và do đó là suy thoái của Mỹ đang tăng lên nhanh chóng”.

Hầu hết các nhà kinh tế cho biết nền kinh tế có thể chịu được tác động của chi phí năng lượng cao hơn mà không rơi vào suy thoái. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có đà tăng trưởng do các hộ gia đình đã tích lũy tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch, số ca Covid-19 giảm mạnh kể từ tháng 1. Đồng thời, giới doanh nghiệp đang tuyển dụng mạnh mẽ và các gia đình quay lại những hoạt động du lịch và giải trí mà họ tạm dừng trước đó.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, chi phí năng lượng cao hơn chắc chắn sẽ gây đau đớn, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo nhất và người lao động có ít khả năng tiếp cận phương tiện công cộng và phải lái xe đi làm.