VNReport»Top»5 tập đoàn năng lượng rút khỏi Nga

5 tập đoàn năng lượng rút khỏi Nga

14:20 - 10/03/2022

BP, Equinor, Exxon Mobil và Shell quyết định rút lui hoàn toàn khỏi Nga để phản ứng với cuộc chiến tranh ở Ukraine. TotalEnergies dừng cấp vốn cho các dự án mới ở Nga.

Kể từ thập niên 1990, các công ty năng lượng khổng lồ của phương Tây đã đầu tư lớn vào Nga – nơi có trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ. Tuy nhiên, sau hàng chục năm kinh doanh, những tập đoàn này gần đây quyết định rời khỏi Nga để phản ứng với việc nước này phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine.

  1. BP

BP cho biết họ có kế hoạch rút 19,75% cổ phần của mình tại Rosneft – công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga. Đồng thời, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh cũng sẽ đình chỉ việc mua hàng từ Nga. Khoản đầu tư của BP tại Rosneft là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Nga.

BP đã hoạt động ở Nga hơn 30 năm, và Rosneft chiếm gần một nửa lượng dầu và khí dự trữ của BP cũng như 1/3 sản lượng của tập đoàn này. Động thái của BP khiến công ty ghi nhận bút toán giảm giá trị lên đến 25 tỷ USD.

CEO Bernard Looney cho biết rằng tình hình ở Ukraine “khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại một cách cơ bản vị thế của BP ở Rosneft”. Công ty cho biết động thái này sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược chuyển từ dầu khí sang nhiên liệu carbon thấp và năng lượng tái tạo.

  1. Equinor

Equinor cho biết sẽ bắt đầu rút lui khỏi các liên doanh ở Nga. “Tất cả chúng tôi đều vô cùng lo lắng trước cuộc xâm lược Ukraine, một sự thụt lùi khủng khiếp đối với thế giới”, CEO Anders Opedal cho biết trong một tuyên bố vào ngày 28/2.

Công ty năng lượng nhà nước của Na Uy cho biết họ có 1,2 tỷ USD đầu tư dài hạn vào Nga tính đến cuối năm 2021. Equinor đã hoạt động ở Nga hơn 30 năm và có thỏa thuận hợp tác với Rosneft từ năm 2012.

Equinor từng có kế hoạch phát triển mỏ khí đốt khổng lồ Shtokman thuộc biển Barents ở phía bắc Nga – nơi ước tính có trữ lượng khí đốt lên tới 3,8 tỷ m3. Công ty Na Uy cũng phải hủy bỏ kế hoạch xây các đường ống khí đốt từ Nga đến châu Âu.

  1. Exxon Mobil

Exxon Mobil cam kết từ bỏ dự án dầu khí cuối cùng còn lại của mình ở Nga và không đầu tư vào các dự án mới ở nước này.

Dự án đó là liên doanh Sakhalin-1, được giới thiệu trên trang web của dự án là “một trong những khoản đầu tư trực tiếp quốc tế lớn nhất vào Nga”. Một công ty con của Exxon nắm 30% cổ phần ở liên doanh này – cũng bao gồm các công ty của Nhật, Ấn Độ và Nga, trong đó có Rosneft.

“Chúng tôi phản đối hành động quân sự của Nga vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và gây nguy hiểm cho người dân của họ”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Sau khi từ bỏ khoản đầu tư có giá trị hơn 4 tỷ USD này, gã khổng lồ dầu khí có trụ sở tại Mỹ sẽ chấm dứt hơn 1/4 thế kỷ kinh doanh liên tục ở Nga.

  1. Shell

Shell cũng đang rút khỏi Nga và từ bỏ liên doanh của mình với Gazprom – công ty khí đốt nhà nước của Nga. Đáng chú ý, công ty dầu khí có trụ sở tại Anh cũng rút khỏi dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) – một dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ Nga sang Đức đã bị ngừng sau khi Nga phát động chiến tranh.

Ngày 1/3, Shell cho biết sẽ bán cổ phần của mình trong một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng, quyền sở hữu trong dự án phát triển các mỏ ở tây Siberia và cổ phần trong một dự án thăm dò ở bán đảo Gydan ở tây bắc Siberia.

Shell cho biết quyết định rút khỏi các liên doanh ở Nga khiến công ty phải chịu thiệt hại, với mức định giá các tài sản này là khoảng 3 tỷ USD tính đến thời điểm cuối năm 2021.

  1. TotalEnergies

TotalEnergies cũng lên án hành động của Nga và cho biết sẽ không cấp vốn cho các dự án mới ở nước này. Tuy nhiên, khác với những đối thủ, gã khổng lồ dầu khí của Pháp không rút lui hoàn toàn khỏi Nga.

TotalEnergies đã kinh doanh ở Nga trong 25 năm và gần đây giúp khởi động một dự án lớn về khí tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển Siberia. Tập đoàn này cũng nắm 19,4% cổ phần ở Novatek – nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga.

“TotalEnergies ủng hộ phạm vi và sức mạnh của các biện pháp trừng phạt do châu Âu đưa ra và sẽ thực hiện chúng bất kể hậu quả (hiện đang được đánh giá) đối với các hoạt động của mình ở Nga”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Nga chiếm 24% trữ lượng đã chứng minh và 17% sản lượng dầu khí của TotalEnergies. Các nhà phân tích đánh giá rằng TotalEnergies phụ thuộc vào Nga nhiều hơn so với các đối thủ. Điều này là lý do khiến công ty quyết định không rút lui hoàn toàn khỏi các dự án ở đây.