VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhiều mặt hàng thực phẩm đua nhau tăng giá

Nhiều mặt hàng thực phẩm đua nhau tăng giá

16:30 - 10/03/2022

Giá thực phẩm tại các chợ dân sinh TP HCM đều tăng mạnh do ảnh hưởng của giá xăng dầu. Hầu hết mặt hàng đều thiết lập mặt bằng giá mới.

Giá thực phẩm hôm nay 10/3: các mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg như rau xà lách cuộn có giá 65.000 đồng/kg, bông cải xanh – trắng cũng tăng thêm 5.000 đồng/kg ở mức 55.000 đồng/kg, các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo…) tăng hơn 5.000 đồng/kg với mức dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như tôm thẻ loại lớn khoảng 15 con một kg có giá 270.000 đồng/kg, mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000 – 280.000 đồng/kg; cá thu và cá bớp cắt khúc tăng thêm 20.000 đồng/kg với giá 250.000 – 270.000 đồng/kg, cá hường: 90.000 đồng/kg, cá bạc má: 80.000 đồng/kg, cá basa: 60.000 đồng/kg.

Các mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống cũng được thay đổi giá mới với mức tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba rọi rút xương có giá 130.000 đồng/kg, đã tăng 10.000 đồng/kg so với tháng 2; thịt nạc dăm và thịt vai có giá 100.000 – 110.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với tháng 2).

Nhìn chung các loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tại TP.HCM đã thiết lập mặt bằng giá mới và vẫn có chiều hướng tăng từ 5.000 -10.000 đồng/kg theo giá xăng dầu.

Nhiều mặt hàng thực phẩm đua nhau tăng giá.

Báo Người Lao động dẫn lời chị Trần Ngọc Như (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết suất ăn bình dân (cơm, bún…) tại các hàng quán khu vực đường Vạn Kiếp, Vũ Huy Tấn… tăng thêm 5.000 đồng/suất so với hồi cuối tháng 2. Trong khi đó, tại một số cửa hàng thực phẩm, mặc dù các sản phẩm được điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% song giá bán thực tế đến tay người tiêu dùng hầu như không đổi bởi giá hàng hóa đã tăng.

Các gia đình có con nhỏ còn đối mặt với nỗi lo sữa bột và sản phẩm dành riêng cho trẻ tăng giá. Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A vừa gửi thông báo tăng giá trong phạm vi 5% từ ngày 1/3 với 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Một số phụ huynh có con đủ 12 tháng tuổi đã chuyển sang dùng sữa tươi để tiết kiệm.

Trước sự thiết lập của mặt bằng giá mới, người dân TP.HCM chủ động thay đổi thói quen chi tiêu của mình. Để chi tiêu hợp lý, nhiều người dân lựa chọn giảm số lần đi chợ trong tuần và cân nhắc chọn thực phẩm có giá tốt hơn ở nhiều cửa hàng khác. Bên cạnh đó, tình trạng giá cả dịch vụ lẫn tiêu dùng tăng khiến không ít bạn trẻ ở TP.HCM quyết định giảm tần suất đi xe công nghệ cũng như đặt thức ăn qua app và chuyển sang tự nấu ăn để chủ động chi phí.

Vật giá leo thang không chỉ gây áp lực lên các khoản chi tiêu của các hộ gia đình, khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các nhà kinh doanh cũng đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Không tăng giá hàng hóa sẽ lỗ, nếu tăng lại sợ mất khách hàng.

Bà Thanh Nga – chủ một tiệm bún chả cá miền Trung ở quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết vừa quyết định tăng giá mỗi tô bún thêm 3.000 đồng, lên 38.000 đồng/tô. “Tôi không muốn tăng vì sợ khách bỏ đi quán khác nhưng không tăng thì không trụ nổi vì nguyên liệu đầu vào như mắm, muối, đường… đều leo thang. Đặc biệt giá xăng dầu tăng kéo theo cước vận chuyển tăng mạnh, như trước đây một thùng chả cá từ Đà Nẵng gửi vào TP.HCM hết khoảng 350.000 đồng thì nay tăng vọt lên 500.000 đồng” – bà Nga phân trần.

Mới đây tại buổi làm việc với doanh nghiệp bán hàng bình ổn thị trường, đại diện Sở Tài chính TP.HCM đề nghị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo, trứng gà tạm hoãn tăng giá bán bình ổn dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đủ để điều chỉnh. Lý do là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua đang thấp và giá cả có xu hướng tăng.