VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế – xã hội trên biển

Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế – xã hội trên biển

17:30 - 14/03/2022

Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thủ tướng yêu cầu phải đưa Khánh Hòa thành trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực và xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội trên biển của cả nước, là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

“Việc này cần làm càng sớm càng tốt”, Thủ tướng nói và đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần phát huy tinh thần tự lực, đi lên từ “bàn tay, khối óc”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, sáng 13/3.

Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung công tác lập quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm; phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tỉnh Khánh Hòa có những điều kiện thuận lợi không địa phương nào có được, như điều kiện tự nhiên có rừng, núi, biển, đảo; các tuyến giao thông lớn của cả nước đều đi qua; có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh; có tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, toàn diện, nhanh và bền vững; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh. Vì vậy, tỉnh có tiềm năng trở thành trung tâm của cả vùng, là nơi hội tụ “phía Bắc đi vào, phía Nam đi ra, Tây Nguyên đi xuống”.

Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kết quả hợp tác, liên kết với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn hạn chế. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, chưa đồng bộ; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Kết quả việc khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Do đó đề nghị Khánh Hòa tăng tính tự lực, tự cường; bám sát thực tiễn; dự báo tốt tình hình; linh hoạt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy cho được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho sự phát triển, nhất là tranh thủ nguồn lực về vốn, trí tuệ, khoa học quản trị để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công”.

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn; tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển. Trong đó khẩn trương quy hoạch và thực hiện các quy hoạch khu kinh tế Vân Phong, khu đô thị sân bay Cam Lâm…

Đặc biệt quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trước hết là tập trung cho hậu cần nghề cá; ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo; củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.