VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến

Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến

09:22 - 15/03/2022

Trung tâm công nghệ với 17,5 triệu dân bị phong tỏa trong đợt bùng phát Covid lớn nhất kể từ đầu đại dịch, gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc đang phải chiến đấu với đợt bùng phát Covid lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch và đã đóng cửa nhiều thành phố bao gồm trung tâm công nghệ Thâm Quyến. Động thái này đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Nhà cung cấp Foxconn của Apple và hàng chục nhà máy khác ở Thâm Quyến đã ngừng sản xuất sau khi chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa đối với thành phố 17,5 triệu người này.

Các nhà máy ở trung tâm công nghệ và sản xuất giáp với Hong Kong được lệnh đóng cửa, người dân bị yêu cầu ở nhà, các phương tiện giao thông công cộng và nhà hàng cũng đóng cửa sau khi Trung Quốc báo cáo hơn 5.000 ca nhiễm Covid trong nước vào cuối tuần.

Trung Quốc ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19 vào cuối tuần.

Trung Quốc ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19 vào cuối tuần.

Số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng được báo cáo ở tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc nước này, cũng như ở Thượng Hải, nơi một số khu vực đã bị phong tỏa và nhiều thành phố khác trên khắp đất nước.

Giới chức ở Cát Lâm đang gấp rút xây dựng 4 bệnh viện và cơ sở cách ly mới với 16.000 giường bệnh để cách ly F0 và F1. Điều này gợi nhớ về thời kỳ đầu đại dịch ở Vũ Hán năm 2020, khi chính quyền xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến.

Việc phong tỏa ở Thâm Quyến dự kiến ​​kéo dài trong 6 ngày và có thể làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn 30 công ty Đài Loan, sản xuất mọi thứ từ bảng mạch đến module màn hình cảm ứng, thông báo ngừng sản xuất tại các nhà máy của họ trong thành phố. Hầu hết các công ty cho biết các nhà máy sẽ đóng cửa cho đến ngày 20/3 tùy theo thông báo của chính quyền địa phương.

Foxconn cho biết họ đã điều chỉnh hoạt động sản xuất tại các nhà máy khác để “giảm thiểu tác động tiềm tàng”.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc vào thứ Hai, với chỉ số Hang Seng Tech của các cổ phiếu công nghệ lớn niêm yết ở Hong Kong giảm hơn 7%, chỉ số Hang Seng tổng thể thấp hơn gần 4% và chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm hơn 2%.

Hai nhà máy ở Thâm Quyến là trung tâm sản xuất lớn cho iPhone của Apple và các công nhân cho biết họ đang lắp ráp chiếc iPhone 13 mới nhất trước khi bị phong tỏa.

Đợt bùng phát ngày càng tồi tệ này đang thử thách chiến lược “zero Covid” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiến lược này yêu cầu phải phong tỏa toàn thành phố, xét nghiệm hàng loạt và truy vết kỹ càng bất cứ khi nào phát hiện ra ca nhiễm.

“Tình hình Covid ở Trung Quốc đã xấu đi với tốc độ đáng báo động trong tuần qua”, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, cho biết. “Với tình hình đại dịch ngày càng tồi tệ và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc duy trì [chiến lược zero Covid], chúng tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Trung Quốc trong năm nay đang ngày càng trở nên viển vông”.

Christian Gassner, người đứng đầu một nhà sản xuất đồ nội thất có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết việc đóng cửa đang tàn phá sản xuất, nhưng ông hy vọng nó sẽ chỉ kéo dài vài tuần. “Các công ty ở Thâm Quyến … cần phải ngừng hoạt động, các công ty không thể hoạt động và các nhà cung cấp ở Đông Quan không thể giao hàng”, ông nói, đề cập đến một trung tâm sản xuất ở gần đó.

Chuyên gia về virus corona hàng đầu của Trung Quốc Zhang Wenhong cảnh báo rằng biến thể phụ của Omicron được gọi là BA.2 – đang quét qua Hong Kong – hiện đã có ở đại lục; và hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sẽ gặp khó khăn nếu mở cửa hoàn toàn biên giới.

“Cho dù Omicron BA.2 có nhanh đến đâu, nó vẫn sẽ chậm lại theo nhịp sống. Nếu chúng ta chậm lại, virus không thể di chuyển nhanh”, ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.