VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đủ khoảng 5-7 ngày

Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đủ khoảng 5-7 ngày

11:02 - 16/03/2022

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất cung ứng và điều hành giá xăng dầu.

Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Trong đó, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về tình hình sản xuất cung ứng và điều hành giá xăng dầu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Diên cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền để tăng mức dự trữ xăng dầu quốc gia. Ông Diên tiết lộ rằng lượng dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ tương đương khoảng 5-7 ngày. Thay vì dự trữ bằng tiền thì sắp tới có thể dự trữ hàng hóa.

Ông Diên cũng cho rằng, cần đẩy mạnh năng lực sản xuất xăng dầu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa khai thác vừa lọc dầu. Chẳng hạn như lọc hóa dầu Bình Sơn, hiện chỉ có công suất khoảng 6,5 triệu thùng dầu/năm.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bên để lọc hóa dầu Nghi Sơn giữ cam kết ban đầu là cung cấp 35-40% lượng xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương cho biết sẽ kiến nghị tăng dự trữ xăng dầu quốc gia.

Bộ Công Thương cho biết sẽ kiến nghị tăng dự trữ xăng dầu quốc gia.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) và Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn về tình hình cung ứng xăng dầu. Giá xăng dầu thế giới lên cao khiến các doanh nghiệp, đại lý không có chiết khấu dẫn đến găm hàng, treo biển sắp hết xăng. Giá xăng dầu tăng cao nhất lịch sử ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Trả lời, người đứng đầu ngành công thương cho rằng giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do gián đoạn nguồn cung ở các nước có sản lượng dầu thô lớn.

“Trong khi đó nước ta cũng đang gặp khó khăn do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất đột ngột xuống 80%, thậm chí có lúc chỉ 55%. Ngay từ tháng 1, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, các doanh nghiệp đầu mối nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo nguồn cung”, ông nói.

Ông cho biết, tính đến giữa tháng 2, Việt Nam đảm bảo đủ nguồn cung đến hết tháng 3 nhờ lượng xăng tồn kho và nhập khẩu bổ sung từ ngày 15/3 với khoảng 3 triệu m3 xăng. Hiện, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bình quân trong nước khoảng 1,3 triệu m3/tháng. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu trong tháng 3 gấp đôi so với bình thường từ 1 triệu m3 trở lên. Vì vậy, bộ trưởng cam kết nguồn cung sẽ không bao giờ thiếu.

Trả lời chất vấn về chênh lệch giữa mức tăng giá trong nước và mức tăng của thế giới từ đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), ông Diên cho biết rằng giá xăng dầu trong nước có biên độ dao động thấp hơn so với giá thế giới do Liên Bộ Công Thương – Tài chính sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) và đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn về vai trò của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước; đặc biệt là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khi phải cắt giảm công suất vì không có kinh phí mua dầu thô.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện Việt Nam có 2 nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư sản xuất ổn định, cung cấp khoảng 30% nguồn cung trong nước.

“Còn nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh với các đối tác nước ngoài. Vấn đề nội tại giữa các bên chủ yếu là tài chính. PVN là một bên tham gia trong liên doanh này, hiện PVN và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang phối hợp để 2 liên doanh còn lại cam kết cung ứng đủ nguồn cung ra thị trường trong nước”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Diên, nguyên liệu đầu vào của nhà máy này được nhập khẩu từ Kuwait. Nhưng trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, đơn vị này gặp khó khăn về tài chính. Nếu Nghi Sơn cam kết hoạt động hết công suất và cung ứng đủ hàng, Bộ Công Thương sẽ dừng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu.