VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thị trường hàng tiêu dùng nhanh có thể chững lại do giá cả tăng cao

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh có thể chững lại do giá cả tăng cao

11:57 - 18/03/2022

Giá cả tăng cao có thể tác động đến niềm tin của người tiêu dùng cũng như doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2022.

Theo công ty nghiên cứu Kantar, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với nhiều thách thức. Lạm phát có khả năng quay trở lại do giá năng lượng tăng. Số công ty phải tạm ngừng hoạt động do đại dịch vẫn ở mức cao. Mặc dù niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện trong quý IV/2021 nhờ dỡ bỏ giãn cách xã hội, nhưng vẫn chưa trở về mức trước đại dịch.

Tăng trưởng tổng thể về giá trị hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2021 chậm lại so với mức đỉnh đạt được vào năm trước – từ 10% xuống 4% ở khu vực thành thị và 5% ở khu vực nông thôn. Điều này là do mức tiêu thụ về số lượng chững lại.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào quý IV, chi tiêu FMCG của người tiêu dùng tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Điều này chủ yếu là do giá thanh toán bình quân tăng – mức cao nhất trong 4 năm qua – ở nhiều danh mục FMCG.

Sữa là một trong những nhóm hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021.

Sữa là một trong những nhóm hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021.

Trong năm thứ 2 của đại dịch, các mặt hàng thực phẩm đóng gói và sữa tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thị trường ở cả các thành phố lớn (bao gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) và khu vực nông thôn. Tốc độ tăng giá trị lần lượt là 14% và 12% trong nhóm thực phẩm đóng gói; 5% và 11% trong nhóm sữa. Trong khi đó, danh mục đồ uống sụt giảm trong đợt dịch thứ 4, đặc biệt là đối với người tiêu dùng ở nông thôn (-5%).

Đường đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 30% ở khu vực thành thị vào năm 2021, chủ yếu nhờ giá thanh toán bình quân tăng 2 con số (24%). Tuy nhiên, lượng bán ra cũng tăng 5%.

Các hình thức bán lẻ tiện lợi như trực tuyến và siêu thị nhỏ tiếp tục thu hút được người mua sắm trong thời gian giãn cách xã hội, đạt mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 60% và 27% tại thành thị. Các kênh này ngày càng trở nên quan trọng trong thị trường bán lẻ ở cả thành thị và nông thôn.

Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng gần đây tiếp tục đặt ra những thách thức đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế, hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người tiêu dùng. Hiện tại, sức khỏe và an toàn vẫn là mối quan tâm lớn nhất của các hộ gia đình thành thị Việt Nam, trong khi số người lo lắng về thu nhập và công việc thấp hơn. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi giá cả tăng và sự không chắc chắn về kinh tế tiếp diễn.

Do đó, các thương hiệu và nhà bán lẻ nên theo dõi chặt chẽ những xu hướng chính về hành vi của người mua sắm trong năm nay.

Kantar kỳ vọng rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục hợp lý hóa chi tiêu của mình. Vì vậy, điều quan trọng là các thương hiệu phải hiểu vai trò của từng danh mục cùng với mức giá phù hợp. Cuộc sống gia đình vẫn quan trọng, tạo cơ hội cho các danh mục chuyển hướng sang tiêu dùng ở nhà. Người mua sắm cũng ngày càng số hóa, có nghĩa là doanh nghiệp cần cung cấp những trải nghiệm, dịch vụ và cách thức tương tác mới.

Để nắm bắt sự gia tăng của bán lẻ theo hướng tiện lợi, doanh nghiệp nên tận dụng các kênh đang phát triển – siêu thị nhỏ, dịch vụ trực tuyến và giao hàng – không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn. Cuối cùng, doanh nghiệp phải ưu tiên hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần nhằm phù hợp với mối quan tâm ngày càng tăng về lối sống bền vững của người tiêu dùng Việt Nam.