VNReport»Top»5 dự án lớn của Nga tại Việt Nam

5 dự án lớn của Nga tại Việt Nam

17:12 - 21/03/2022

Các dự án lớn của Nga tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nơi nước này có thế mạnh truyền thống.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 2/2022, Nga đứng vị trí thứ 24 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, nước này có 151 dự án ở Việt Nam với tổng giá trị gần 1 tỷ USD.

Nga hiện đối mặt với hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì phát động cuộc chiến tranh với Ukraine, bao gồm việc một số ngân hàng nước này bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trong bối cảnh đó, các dự án của doanh nghiệp Nga tại Việt Nam – tập trung vào lĩnh vực năng lượng – có thể gặp nhiều khó khăn.

  1. Vietsovpetro

Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập năm 1981 trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Khi đó, liên doanh này có tên gọi là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô.

Vietsovpetro khai thác dầu thí tại các mỏ như Mỏ Bạch Hổ, Mỏ Rồng, Cá Tầm, Thiên Ưng … Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021 (VNR 500), Vietsovpetro đứng thứ 48.

51% quyền sở hữu của liên doanh này thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). 49% còn lại thuộc về Zarubezhneft – một doanh nghiệp dầu khí nhà nước của Nga.

  1. Nhiệt điện Long Phú 1

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng dự kiến có công suất 1.200 MW, với tổng thầu là Tổng công ty Power Machines của Nga. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổ máy 1 của dự án lẽ ra phải đi vào vận hành từ năm 2018, tổ máy 2 từ năm 2019.

Tuy nhiên, ngay cả trước năm nay, dự án này cũng đã đóng băng do Power Machines bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận sau khi Nga sáp nhập Crimea. Theo đó, việc thi công của dự án bị đình trệ từ năm 2018 với khoảng 72% lượng công việc đã hoàn thành.

Power Machines cho rằng việc bị cấm vận là “lý do bất khả kháng” và đề nghị rút lui khỏi dự án và được thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành. Nhưng phía Việt Nam không chấp nhận đề nghị này.

  1. Điện khí Quảng Trị

Ngày 25/3/2020, dự án Nhà máy Điện khí Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Gazprom International làm chủ đầu tư. Đây là công ty con của Tập đoàn Gazprom – doanh nghiệp khí đốt lớn nhất của Nga và một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực khí đốt.

Dự án được thực hiện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Theo thiết kế, dự án có công suất 340 MW với tổng mức đầu tư 297 triệu USD, sử dụng nguồn khí thiên nhiên được khai thác từ ngoài khơi tỉnh Quảng Trị và nguồn khí nhập khẩu.

Nhà máy dự kiến đưa vào vận hành từ sau năm 2023 sau thời gian thi công khoảng 27 tháng.

  1. Điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong

Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong có công suất thiết kế 1.000 MW, được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh giữa DEME Concessions Wind của Bỉ và Zarubezhneft của Nga – đơn vị sở hữu 49% cổ phần của Vietsovpetro.

Theo biên bản ghi nhớ được ký vào tháng 4/2021 tại Hà Nội, giai đoạn đầu của dự án với công suất 600 MW sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026; giai đoạn 2 với công suất 400 MW vào năm 2030.

Dự án có tổng mức đầu tư 72.900 tỷ đồng, được dự báo cung cấp hàng tỷ kWh điện cho Hệ thống điện quốc gia, đóng góp nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngân sách. Đồng thời, số việc làm mà dự án tạo ra ước tính khoảng 2.500 trong quá trình xây dựng, 2.000 trong giai đoạn vận hành và 500 trong giai đoạn kết thúc và di dời dự án.

  1. Các dự án thăm dò dầu khí

Nhiều doanh nghiệp Nga đang tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trong đó, ông lớn khí đốt Gazprom – thông qua công ty con Gazprom International – đang thăm dò 2 mỏ khí lớn là Báo Vàng và Báo Đen. Tổng trữ lượng ước tính của 2 mỏ khí này là khoảng 57,88 tỷ m3.

Trên cơ sở đó, Gazprom quyết định đầu tư dự án trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm xây dựng giàn khoan, đường ống dẫn dầu vào đất liền lấy từ các lô 111-113, với sản lượng khí khai thác là 500 triệu m3/năm. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao nên Gazprom chuyển hướng sang xây dựng một nhà máy điện sử dụng khí lấy từ mỏ Báo Vàng, với công suất 340 MW và thời gian khai thác 14 năm.