VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh biểu tình vì bị nợ lương

Nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh biểu tình vì bị nợ lương

16:23 - 22/03/2022

Gần 70 cán bộ, nhân viên tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) “cầu cứu” khi tình trạng nợ lương tái diễn.

Gần 70 cán bộ, nhân viên tại bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) tiếp tục xuống đường “cầu cứu” khi tình trạng nợ lương tại cơ sở y tế này tái diễn.

Khoảng 16h30 chiều 21/3, khoảng 70 viên chức, người lao động của bệnh viện Tuệ Tĩnh tụ tập, căng băng rôn, biểu ngữ trước khu vực cổng Học viện với nội dung yêu cầu được trả lương, thực hiện đúng hợp đồng làm việc.

Nhiều nhân viên y tế bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục “xuống đường biểu tình” vì bị nợ lương.

Ngay khi sự việc xảy ra, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Y tế. Trong văn bản báo cáo, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Công đoàn Học viện gặp gỡ, động viên đề nghị viên chức, người lao động bình tĩnh, không tụ tập đông người, gây mất ổn định nội bộ.

Tuy nhiên, viên chức, người lao động bệnh viện không hợp tác, vẫn tụ tập căng băng rôn, biểu ngữ và trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí.

Bà lê Thanh Bình – Tổ trưởng Tổ Công đoàn, bệnh viện Tuệ Tĩnh thông tin tới các phóng viên có mặt tại hiện trường: “Chúng tôi xuống đường vì quá bức xúc khi sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng nợ lương cán bộ, nhân viên vẫn tiếp tục tiếp diễn. Thậm chí, trong tháng 2 và tháng 3, chúng tôi bị nợ 100% lương, thay vì 50% như giai đoạn trước đó”.

Theo bà Bình, trong tháng 2 và tháng 3, 154 cán bộ, nhân viên của bệnh viện Tuệ Tĩnh không nhận được một đồng lương nào, khiến cuộc sống rất chật vật. Đáng nói, có 4 cán bộ đã phải nghỉ việc vì không thể trang trải cuộc sống.

“Chúng tôi quá bức xúc và mệt mỏi. Do đó, lần này chúng tôi cần một sự giải quyết dứt điểm, không thể mập mờ, hứa suông. Chúng tôi cần được làm rõ bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc bên nào, bên nào chịu trách nhiệm trả lương cho nhân viên y tế, kế hoạch đảm bảo thu nhập của các cán bộ, nhân viên sắp tới ra sao”, bà Bình nhấn mạnh.

Đến 18h cùng ngày, số viên chức, người lao động tham gia tập trung đông người mới giải tán, rời cơ quan.

Tập thể lãnh đạo Học viện đã họp bàn và thống nhất kiện toàn nhân sự Ban lãnh đạo bệnh viện và công tác nhân sự lãnh đạo để thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và định hướng phát triển bệnh viện. Hiện nay, Học viện đã hoàn thiện thủ tục giới thiệu nhân sự, xin ý kiến Bộ Y tế.

Ông Huy nêu rõ trong báo cáo gửi Bộ Y tế: “Về vấn đề trả lương, trước tình hình tháng 2, tháng 3/2022, bệnh viện chưa có nguồn để trả lương. Để ổn định đơn vị, ngày 17/3 cùng với Ban lãnh đạo bệnh viện, Ban thường vụ và Ban Giám đốc Học viện đã có buổi làm việc với đại diện viên chức bệnh viện Tuệ Tĩnh về các vấn đề liên quan đến hợp đồng làm việc, quyền lợi hợp pháp của viên chức cũng như giải đáp, kế hoạch chi trả lương, phúc lợi cho người lao động, kế hoạch tái cơ cấu của bệnh viện… Ngày 18/3/2022, tập thể lãnh đạo Học viện mở rộng đã họp và thống nhất tiếp tục tạm ứng kinh phí cho bệnh viện để chi trả tiền lương tháng 2/2022 và tháng 3/2022 từ nguồn quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện. Hiện Phòng Tài chính kế toán Học viện đang thực hiện các bước theo quy định để chi khoản này. Về vấn đề phúc lợi, Học viện đã đưa vào dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ, hiện đang xin ý kiến rộng rãi toàn Học viện theo quy định và chi trả phúc lợi người lao động bệnh viện Tuệ Tĩnh như đối với viên chức Học viện năm 2022.”

Được biết, những vấn đề bất cập về tiền lương đối với nhân viên y tế bệnh viện Tuệ Tĩnh không phải chuyện mới. Từ năm 2019, khi lãnh đạo bệnh viện bất ngờ xin cơ chế tự chủ tài chính, 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều phụ thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám thì toàn bộ nhân viên bệnh viện đã bị cắt hết phần tiền lương tăng thêm mà chỉ được nhận lương cơ bản nhân theo hệ số.

Điều khiến người lao động băn khoăn nhất là bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y học cổ truyền, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 2019 lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó.

Đặc biệt, từ khi chuyển sang tự chủ tài chính, bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng chưa có định hướng phát triển hay giải pháp cụ thể để tăng nguồn thu, tự đảm bảo tài chính. Tháng 12/2019, toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ của bệnh viện.