VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Vấn nạn gian lận thương mại điện tử

Vấn nạn gian lận thương mại điện tử

08:49 - 15/04/2021

Dự báo, trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm đến 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại.

Thương mại diện tử lên ngôi trong thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp

Vấn nạn dai dẳng

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (VECOM) cho thấy, đầu năm 2021, đã có hàng triệu “chiến binh” tham gia vào lĩnh vực TMĐT. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam duy trì ở mức trên 30%, quy mô TMĐT sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025 sẽ còn mạnh mẽ hơn khi quy mô TMĐT của Việt Nam đạt tới 10% GDP, cao hơn tỷ lệ 7,7% của Indonesia – nước cùng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn ấn tượng nhất.

Dễ thấy, TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế như vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch TMĐT. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.

Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường (QLTT)…

Thủ đoạn chung của những người bán hàng giả là sử dụng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng hàng hiệu với giá rẻ. Khi người tiêu dùng đồng ý mua, các đối tượng sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt như chuyển khoản qua bên thứ ba, thẻ cào viễn thông, thanh toán bằng mã QR hoặc dịch vụ giao nhận, chuyển phát hàng hóa kèm thu tiền, nhưng thực tế hàng họ gửi đi là hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc…

Hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng đang phải đối mặt với việc một số người kinh doanh trên sàn TMĐT bán sản phẩm nhái nhãn mác, thương hiệu, chỉ vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Cách đây chưa lâu, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng, kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com, đã phát hiện và thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Burberry, Versace…

Còn nhiều lỗ hổng

Theo nhận định của lực lượng QLTT, mặc dù đã quyết liệt ngăn chặn, nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Để xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể nhưng hiện nay hầu hết các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ. Kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook, Zalo chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho rằng, hiện việc truy xuất, lưu trữ hóa đơn các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Để cất giấu và vận chuyển hàng hóa, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, kiểm tra.

Ngoài ra, nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ. Các giao dịch, dịch vụ không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động…

Những thách thức này cho thấy, cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.

Trong đó, cần chú trọng hoàn thiện văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, bổ sung quy định quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong TMĐT và hoàn thiện quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT.

Bên cạnh đó, cần có quy định, điều kiện tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, các chế tài xử phạt các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đây là những mắt xích quan trọng giúp TMĐT phát triển bền vững. Mặt khác, cần hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn TMĐT.

Mới đây, tại hội thảo quốc gia “Kinh tế số – tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam” do Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xác định phát triển kinh tế số là vấn đề cốt lõi.

Trước đó, Nghị định 52/2013 của Chính phủ về TMĐT cũng dành 8 điều để quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua. Trong đó, Điều 23 quy định “Bộ Công thương có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ”.

Có thể thấy, để giải quyết được bài toán này cần rất nhiều thời gian và công sức. Và chỉ đành có thể như Theo TS. Nguyễn Đức Kiên nói: hãy làm và vướng cái nào thì tháo gỡ cái nấy. Chỉ như vậy, kinh tế số mới phát triển bền vững trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.