VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Ấn Độ tích cực mua dầu rẻ từ Nga

Ấn Độ tích cực mua dầu rẻ từ Nga

17:01 - 30/03/2022

Các nước nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc với khoảng 2,8 tỷ dân, đang hướng tới dầu Nga như một giải pháp cứu cánh trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu tăng vọt.

Các nước nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc với khoảng 2,8 tỷ dân, đang hướng tới dầu Nga như một giải pháp cứu cánh trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu tăng vọt. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga khiến giá dầu Nga rẻ hơn khoảng 30 USD so với dầu các nước khác, tương đương khoảng 25-30%.

Cảng bốc dỡ dầu Kozmino ở vịnh Kozmino, cách thành phố Vladivostok, vùng viễn đông của Nga khoảng 100 km về phía đông

Các lệnh trừng phạt sẽ để lại khoảng trống trên thị trường khi Nga nhận thấy rằng nước này có lượng dầu thô dư thừa không thể bán được.

Tuy nhiên, theo một báo cáo vào tuần trước của ANZ Research, “Dầu Nga vẫn đang tìm được khách mua. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã đưa ra nhiều lời chào mua đối với dầu Urals của Nga, vì mức giảm giá của dầu Urals so với dầu Brent tiếp tục tăng lên.”

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ có thể sẽ mua thêm dầu rẻ từ Nga, với mức giá thấp hơn khoảng 20% so với giá dầu tiêu chuẩn. Với mức giá dầu thế giới hiện tại, mức chiết khấu như vậy tương đương hơn 20 USD trên mỗi thùng dầu Nga.

Ông Samir N. Kapadia, Trưởng bộ phận giao dịch thuộc Công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group, nhận định: “Động cơ hiện nay của Chính phủ Ấn Độ là kinh tế, không phải chính trị. Ấn Độ luôn tìm kiếm mức giá hời trong chiến lược nhập khẩu dầu. Thật khó để Ấn Độ không mua dầu thô với mức giá chiết khấu 20% khi mà nước này phải nhập khẩu 80-85% số dầu tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh đại dịch và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.”

Ông Matt Smith – Trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu lửa của Kpler, cho biết trong năm 2021, các lô dầu Nga vận chuyển tới Ấn Độ là khá ít ỏi, tổng cộng chỉ khoảng 12 triệu thùng được giao. Từ tháng 12 đến hết tháng 2, Kpler cũng không nhận thấy có bất kỳ thùng dầu Nga nào được giao tới Ấn Độ.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 trở đi, 5 lô dầu Nga tổng cộng khoảng 6 triệu thùng đã lên đường tới Ấn Độ, dự kiến cập cảng vào đầu tháng 4. “Số dầu này bằng khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ trong cả năm ngoái, một sự gia tăng đột biến”, ông Smith phát biểu.

Tuy nhiên, Ấn Độ không chắc sẽ mua nhiều, ít nhất là trong ngắn hạn. Gần một nửa nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông. Dù một số có thể được thay thế bằng dầu Nga, nhưng việc vận chuyển từ vùng Vịnh rẻ hơn nhiều nên dầu Urals cần phải được giảm giá thêm thì mới hấp dẫn sức mua. Ngoài ra, vì không thể thanh toán bằng USD nên Ấn Độ phải thử nghiệm với cơ chế đồng ruble-rupee. Đó là lý do Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ, công ty lọc dầu lớn nhất nước, chỉ đặt hàng 3 triệu thùng.

Adi Imsirovic, Cựu giám đốc kinh doanh dầu của Gazprom, hiện là chuyên gia Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, không cho rằng Ấn Độ có thể mua hơn 10 triệu thùng mỗi tháng. Ông đánh giá con số này là nhỏ, vì lượng dầu “ế ẩm” của Nga được Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sẽ vào khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng sau.

Khi đó, chỉ Trung Quốc mới có thể “giúp” được Nga. Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng khoảng 10,5 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 11% sản lượng hàng ngày của thế giới. Imsirovic cho rằng Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội giá rẻ để tăng lượng mua lên 12 triệu thùng mỗi ngày. Điều đó có thể cho phép nước này mua 60 triệu thùng từ Nga trong thời gian tương đối ngắn.

Nhưng điều này vẫn chưa diễn ra. Một lý do là ngay cả với Trung Quốc, việc vận chuyển dầu từ Nga cũng khó khăn. Dầu Nga đến châu Âu thường mất ba hoặc bốn ngày, nhưng đến châu Á mất đến 40 ngày. Dầu phải được chất lên các tàu chở dầu lớn hơn nhiều, mất thêm thời gian và tốn kém hơn. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang không cho vay, mua hàng thì phải được thực hiện bằng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, lý do lớn hơn là các thương nhân Trung Quốc đang kiên nhẫn chờ để có giá tốt hơn. Mục tiêu là dù có tốn thêm chi phí thì mua dầu Nga vẫn tiết kiệm được nhiều khoản chi. Năm 2020, khi giá dầu lao dốc chỉ còn một con số, họ đã tranh thủ tích trữ. Vì vậy, lần này, họ đang đợi vị thế thương mại của Nga yếu hơn để giá dầu Urals giảm tiếp mới quyết định mua nhiều.

“Trung Quốc thực sự muốn dầu rẻ hơn nhiều. Ngay cả giá dầu 90 USD/thùng cũng là quá đắt đối với Trung Quốc”, bà Ellen Wald, Chủ tịch Transversal Consulting nói, “Nếu Trung Quốc có thể mua dầu Nga với giá rẻ, chẳng hạn rẻ hơn 30 USD/thùng so với giá dầu tiêu chuẩn, thì tôi thực sự không thấy có lý do gì có thể ngăn họ mua nhiều dầu Nga”.