VNReport»Kinh tế»Tài chính»WB hạ dự báo tăng trường kinh tế Việt Nam xuống 5,3%

WB hạ dự báo tăng trường kinh tế Việt Nam xuống 5,3%

16:45 - 05/04/2022

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là 5,3%, hạ từ kỳ vọng 6,5% đưa ra vào tháng 10/2021. Ở kịch bản xấu hơn, tăng trưởng được dự báo chỉ là 4%.

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vừa được công bố với chủ “Đương đầu bão tố”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam xuống 5,3% từ mức 6,5% hồi tháng 10/2021. Thậm chí, trong kịch bản xấu hơn, WB cho rằng kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 4%.

Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại WB cho biết rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà tổ chức này phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng mạnh nhất.

WB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam 1,2 điểm phần trăm so với thời điểm tháng 10/2021.

WB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam 1,2 điểm phần trăm so với thời điểm tháng 10/2021.

Nguyên nhân là do những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến thể Omicron, dẫn đến số ca nhiễm mới Covid-19 rất cao. Ngoài ra, chiến tranh Nga-Ukraine cũng có tác động lớn đến Việt Nam thông qua giá nhiên liệu và nguyên vật liệu.

Với giá trị nhập khẩu dầu lên tới 3% GDP, giá dầu thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Mặt khác, việc nhập khẩu các nguyên vật liệu như sắt, thép … chịu tác động lớn khi giá nhập khẩu ngày càng đắt đỏ.

Theo báo cáo của WB, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế và cơ hội nhất để mở rộng thương mại toàn cầu. Nhưng chính điều này cũng khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc từ bên ngoài. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội tốt hơn.

Ngoài ra, WB cũng dự báo kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2021. Trong trường hợp tình hình toàn cầu xấu đi và các nước có chính sách ứng phó yếu, tốc độ tăng trưởng có thể chỉ còn 4%. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ sở và 4% theo kịch bản xấu.

Phần còn lại của khu vực được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 4,8% và 4,2% trong các kịch bản cơ sở và xấu hơn.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, mà ông Mattoo cho là “rủi ro nghiêm trọng nhất” đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực, đang dẫn đến việc tăng giá thực phẩm và nhiên liệu, biến động tài chính và giảm niềm tin trên toàn thế giới.

Ông Mattoo cho biết chiến tranh đáng lo ngại hơn vì khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự suy thoái cơ cấu ở Trung Quốc và lạm phát cao có thể khiến Mỹ thắt chặt tiền tệ nhanh hơn.

“Khi các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương đang hồi phục sau cú sốc do đại dịch gây ra, cuộc chiến ở Ukraine lại đè nặng lên đà tăng trưởng”, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Manuela Ferro cho biết trong một tuyên bố.

Trong kịch bản tăng trưởng xấu cho Đông Á – Thái Bình Dương, WB dự báo 6 triệu người khác sẽ tiếp tục bị mắc kẹt dưới ngưỡng nghèo khổ, với thu nhập 5,50 USD/ngày trong năm nay.

Trước đó, HSBC cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 0,3 điểm phần trăm xuống 6,2%.

Đầu năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 đến 6,5%, sau năm 2021 chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 2,58% – thấp nhất trong 30 năm qua.