VNReport»Kinh tế»Tài chính»ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 6,5%

ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 6,5%

17:10 - 07/04/2022

So với các tổ chức khác như WB hay HSBC, ADB có quan điểm lạc quan hơn nhiều về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 6/4, nền kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh hơn ở mức 6,7% vào năm 2023. Cơ sở cho dự báo này là tỷ lệ tiêm chủng cao, thương mại gia tăng và việc tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

Cụ thể, theo ADB, tỷ lệ bao phủ vaccine cao giúp giảm nhanh số ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam, qua đó góp phần phục hồi kinh tế trong những tháng đầu năm 2022. Tổ chức này cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ bỏ những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, gây gián đoạn. Từ đó giúp khôi phục hoạt động kinh tế và giảm sự bất ổn trong môi trường kinh doanh.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cho thấy 81,7% doanh nghiệp được hỏi ​​dự báo tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong năm 2022.

81,7% doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2022.

81,7% doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2022.

Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên tới 15 tỷ USD để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023. Chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như: miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

ADB đánh giá, các giải pháp tiền tệ của ERDP sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến ​giảm lãi suất cho vay 0,5-1,0% trong năm nay và năm sau, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023. Theo ADB, việc giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng phục hồi sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Hoạt động kinh doanh và lực lượng lao động phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong những tháng đầu năm. ADB dự báo tăng trưởng công nghiệp năm 2022 ở mức 9,5%, qua đó đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng trưởng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và giá hàng hóa toàn cầu tăng.

Các chính sách mở cửa trở lại du lịch của Chính phủ được thực hiện vào tháng 3/2022 và việc ​​dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát được dự báo thúc đẩy khu vực dịch vụ, ước tính mở rộng 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm nay.

Du lịch phục hồi và lượng kiều hối ổn định sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.

Theo ADB, chương trình ERDP thúc đẩy đầu tư công và kích cầu trong nước. Đồng thời, việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như hồi phục dịch chuyển lao động sẽ giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Với hoạt động xuất nhập khẩu, ADB dự báo kim ngạch tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, được kỳ vọng thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch lắng xuống, bằng cách tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại. Xuất khẩu hàng hóa được dự báo tăng 8-10% trong năm nay.

Qua những phân tích trên, ADB có đánh giá lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. “Việt Nam có một bức tranh rất tươi sáng trong bức tranh phục hồi chung ở châu Á. Dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,5% vào năm 2022 và 6,7% vào năm 2023”, đại diện ADB cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện ADB, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rủi ro chính. Theo đó, nếu dịch bệnh Covid-19 không giảm bớt, nó có thể ngăn nền kinh tế trở lại bình thường trong năm nay. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại cùng với bất ổn địa chính trị trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Thị trường tài chính tiền tệ trong nước cũng đang bộc lộ một số vấn đề trong năm 2021 và 2022 như nợ xấu hay trái phiếu doanh nghiệp …

Ngoài ra, ADB đánh giá rằng lạm phát của Việt Nam trong quý I/2022 có dấu hiệu gia tăng, nhưng lạm phát cả năm 2022 được dự báo vẫn trong tầm kiểm soát ở mức 3,8%. Năm 2023, tổ chức này dự báo lạm phát của Việt Nam trên 4% và cho rằng đây là xu hướng chung của khu vực Đông Nam Á khi chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng.