VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát Việt Nam dự báo vượt 4%

Lạm phát Việt Nam dự báo vượt 4%

14:46 - 14/04/2022

Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát của Việt Nam là 4,2% trong năm nay và 5,5% trong năm sau – cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo ​​lạm phát của Việt Nam là 4,2% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, do giá hàng hóa thế giới tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

“Trong trung hạn, các yếu tố lạm phát do cầu thúc đẩy có khả năng bắt đầu gây ra tác động khi nền kinh tế phục hồi”, nhà băng này cho biết trong một lưu ý. Standard Chartered cũng cho biết thêm rằng các yếu tố từ phía cung gây ra rủi ro tăng đối với lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.

Standard Chartered dự báo lạm phát sẽ tăng tốc lên 5,5% trong năm sau.

Lạm phát có thể cao hơn mục tiêu 4% trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước.

Lạm phát có thể cao hơn mục tiêu 4% trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu lạm phát không quá 4% trong năm nay. Năm ngoái, giá tiêu dùng tăng ở mức 1,8% – thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Ngân hàng Phát triển Châu Á tháng này dự báo lạm phát của Việt Nam đạt 3,8% trong năm nay và 4% trong năm tới, với một nguyên nhân chính là sự biến động của giá dầu thế giới.

Về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, Standard Chartered đưa ra dự báo lạc quan. Năm nay, ước tính của ngân hàng này cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7% (so với tốc độ tăng trưởng thực tế 2,6% năm ngoái). Theo Standard Chartered, đà phục hồi của các chỉ số kinh tế đang lan rộng hơn.

Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đối với Thái Lan và Việt Nam, cho biết: “Chính phủ đã dỡ bỏ yêu cầu phong tỏa đối với khách quốc tế vào giữa tháng 3. Chúng tôi nghĩ rằng việc mở cửa trở lại ngành du lịch, chiếm gần 10% GDP, là bước phát triển quan trọng đáng chú ý trong quý II sau khi đóng cửa 2 năm”.

Ngân hàng cho biết Việt Nam vẫn là một trung tâm sản xuất và là một mắt xích chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp những thách thức liên quan đến địa chính trị và đại dịch.

Dòng vốn FDI bắt đầu phục hồi trong năm nay sau khi thu hẹp vào năm ngoái và ngân hàng kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất, điện khí.

Một số công ty công nghệ lớn trên toàn cầu đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam từ Trung Quốc trong những năm gần đây để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, ông Leelahaphan cho biết thêm.