VNReport»Top»8 quốc gia từng vỡ nợ

8 quốc gia từng vỡ nợ

15:15 - 16/04/2022

Sau khi tuyên bố không thanh toán được 51 tỷ USD cho chủ nợ nước ngoài, Sri Lanka gia nhập danh sách các nước từng vỡ nợ.

  1. Sri Lanka

Tuần này, Sri Lanka cho biết chính phủ nước này đã vỡ nợ tất cả các khoản thanh toán cho chủ nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD sau khi cạn kiệt nguồn ngoại hối để nhập khẩu hàng hóa cần thiết.

Quốc đảo ở Ấn Độ Dương đang phải đối mặt với đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài làm nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ.

  1. Lebanon

Lebanon, từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông”, lần đầu tiên trong lịch sử vỡ nợ vào tháng 3/2020 trong bối cảnh đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế sâu sắc giữa những cuộc biểu tình lớn phản đối tham nhũng.

Nước này vỡ nợ sau khi không trả được khoản nợ ngoại tệ trị giá 1,2 tỷ USD, điều chưa từng xảy ra ngay cả khi Lebanon rơi vào cuộc nội chiến trong thập niên 1980. Vào thời điểm vỡ nợ, núi nợ của Lebanon lên tới 170% GDP.

  1. Argentina

Vào tháng 5/2020, Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử, sau khi không thể thực hiện khoản thanh toán 500 triệu USD. Khoản nợ của nước này khi đó là 324 tỷ USD, tương đương 90% GDP.

Lần vỡ nợ trước đó của Argentina vào năm 2001 có quy mô lên tới 100 tỷ USD – lớn nhất trong lịch sử vào thời điểm đó. Phải đến năm 2016, nước này mới quay trở lại thị trường tín dụng quốc tế.

  1. Venezuela

Vào tháng 11/2017, Venezuela – quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới – bị các cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch và S&P Global Ratings tuyên bố là vỡ nợ một phần.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế nước này rơi tự do, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.

Mặc dù Nga đồng ý cung cấp cho đồng minh của mình gói tái cơ cấu 3,15 tỷ USD đối với khoản nợ 150 tỷ USD, Caracas vẫn không thanh toán được khoản nợ này vào ngày 2/1/2018.

  1. Hy Lạp

Hy Lạp trở thành nước phát triển đầu tiên vỡ nợ đối với chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi vào nửa đêm ngày 30/6/2015, nước này không thanh toán được số tiền trị giá 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD). 2 tuần sau, Hy Lạp lỡ khoản thanh toán thứ 2 cho IMF trị giá 456 triệu euro.

Tuy nhiên, sau đó, một khoản vay ngắn hạn khẩn cấp từ quỹ chống khủng hoảng của Liên minh châu Âu giúp nước này thanh toán được các khoản nợ trên.

Một gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro (96 tỷ USD) trong 3 năm được thông qua vào tháng 8/2015, sau khi chính phủ Hy Lạp chấp nhận các biện pháp cải cách và thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt.

  1. Ecuador

Vào tháng 12 năm 2008, Tổng thống của Ecuador khi đó là Rafael Correa đình chỉ việc thanh toán gần 40% khoản nợ của đất nước Mỹ Latinh này lần thứ 3 trong vòng 14 năm.

Ecuador cũng bị vỡ nợ do đại dịch vào năm 2020, nhưng nước này đã cơ cấu lại khoản nợ trị giá 17,4 tỷ USD của mình trong một động thái được IMF khen ngợi. Để có được gói hỗ trợ từ IMF, Ecuador phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm việc thanh lý hãng hàng không quốc gia.

  1. Nga

Nga vỡ nợ ngoại tệ vào năm 1918, khi chính phủ Bolshevik từ chối công nhận các khoản nợ từ thời Sa hoàng sau khi giành chính quyền bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Vào tháng 8/1998, Nga tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với việc thanh toán nợ nước ngoài và hạ giá đồng rúp, đồng thời vỡ nợ trong nước. Khi đó, nợ nước ngoài của nước này là 141 tỷ USD và nợ trong nước tương đương 50,6 tỷ USD, theo Fitch.

Nga bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và đồng rúp bị các nhà đầu cơ tấn công khi giá dầu lao dốc, làm suy yếu giá trị của mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nước này.

Phải hơn một thập kỷ sau đó, Nga mới có thể vay tiền trở lại trên thị trường quốc tế. Năm 2022, dưới tác động của các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, Nga đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nước ngoài một lần nữa.

  1. Mexico

Vào tháng 8/1982, Mexico cho biết không thể trả được khoản nợ 86 tỷ USD của mình, chưa bao gồm 21 tỷ USD tiền lãi.

Sau khi vỡ nợ, nước này được Mỹ cung cấp các khoản vay khẩn cấp và IMF cung cấp viện trợ để đổi lấy cải cách cơ cấu kinh tế. Sau đó, các chủ nợ là ngân hàng thương mại đã xóa một phần lớn khoản nợ.

IMF lại tiếp tục giải cứu Mexico vào năm 1995 với khoản vay 17,8 tỷ USD – một phần trong gói hỗ trợ quốc tế trị giá 50 tỷ USD.