VNReport»Kinh tế»Nga có thể kéo theo cả châu Âu vỡ nợ

Nga có thể kéo theo cả châu Âu vỡ nợ

15:50 - 18/04/2022

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev cảnh báo, nếu Nga vỡ nợ có thể dẫn đến việc Liên minh châu Âu (EU) chịu lạm phát đến mức vỡ nợ theo.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev cảnh báo, nếu Nga vỡ nợ có thể dẫn đến việc Liên minh châu Âu (EU) chịu lạm phát đến mức vỡ nợ theo.

Ông Medvedev: Nga vỡ nợ thì châu Âu cũng vỡ nợ và siêu lạm phát

Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng việc Nga vỡ nợ chỉ còn là “vấn đề thời gian”.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Leyen cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm rung chuyển nền kinh tế Nga, chỉ ra hàng trăm công ty lớn và hàng nghìn chuyên gia đang rời khỏi Nga và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến ​​sẽ giảm 11%. Bên cạnh đó, bà Leyen cũng cho biết châu Âu sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó nhắm đến lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của nước này.

Đáp lại phát ngôn của bà Leyen, ông Medvedev viết trên kênh Telegram của mình: “Tốt thôi, các vị thử xem. Việc Nga vỡ nợ có thể kéo theo cả châu Âu vỡ nợ, cả về tinh thần lẫn vật chất”.

Ông Medvedev cho rằng hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu (EU) không ổn định và người dân đang mất niềm tin vào nó. Đồng thời, ông cảnh báo giới chức EU nên chuẩn bị sẵn tinh thần với phản ứng mạnh mẽ của người dân với tình trạng siêu lạm phát mà họ không thể đổ lỗi cho Nga, vì tình trạng thiếu hụt lương thực trong các cửa hàng, hay dòng người tị nạn. Tất cả những vấn đề đó có thể kéo theo một làn sóng tội phạm bạo lực.

“Khi đó, những người ở Brussels sẽ phải thay đổi cách phát ngôn của họ. Nếu không, những đống lửa đốt lốp xe cháy sẽ bốc mùi khét lẹt trên đường phố châu Âu”, ông Medvedev nói.

Trong tuyên bố của mình, ông Medvedev cũng chỉ trích phát ngôn của bà Leyen không nói về đau khổ của người dân, không nói về việc kết thúc chiến dịch quân sự hay hy vọng hòa bình cho Ukraine mà chỉ nhắm tới việc Nga bị vỡ nợ các khoản thanh toán nước ngoài.

“Đó là những điều họ mơ tưởng! Đó là chiến lược cốt lõi của EU”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga nhấn mạnh.

Trên thực tế, Bộ Tài chính Nga cho biết tính đến ngày 1/2/2022, nợ nước ngoài của Moskva đạt mốc 59,5 tỷ USD, bao gồm 38,97 tỷ USD nợ trái phiếu. Hiện tại, Nga có 15 khoản nợ trái phiếu với thời gian đáo hạn từ năm 2002 đến năm 2047.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Nga sẽ thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ nếu tài sản của nước này không bị đóng băng. Trong trường hợp bị từ chối, hoặc các chi nhánh ngân hàng không phản hồi, Nga sẽ buộc phải thanh toán các khoản nợ nước ngoài bằng đồng rúp.

Ông Anton Siluanov cho biết, Moscow sẵn sàng chứng minh tại tòa án rằng Nga đã và đang làm mọi thứ có thể để hoàn tất nghĩa vụ với các nhà đầu tư nước ngoài trong kịch bản phương Tây cố gắng tuyên bố Nga “vỡ nợ”.

“Nga chắc chắn sẽ kiện vì chúng tôi đã thực hiện mọi bước cần thiết nhằm đảm bảo rằng các nhà đầu tư nhận được các khoản thanh toán. Chúng tôi sẽ đưa ra các bằng chứng tại tòa, nhằm xác nhận nỗ lực của chúng tôi trong việc thanh toán các khoản nợ bằng cả đồng rúp và ngoại tệ”, ông Siluanov nói hôm 10/4.

Ông Siluanov bình luận thêm: “Cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy rằng tất cả các nền tảng cơ bản của phương Tây dựa trên nền dân chủ, quyền bất khả xâm phạm của tài sản tư nhân đang sụp đổ, vì vậy chúng tôi cũng đặt câu hỏi về tính khách quan của hệ thống tư pháp của họ”.

Các nhà chức trách Nga nhiều lần nhấn mạnh không có cơ sở thực tế nào cho việc Nga vỡ nợ và tình huống đó chỉ có thể được tạo ra bằng cách dàn dựng.

Vỡ nợ được coi là “mảng tối” của các nền kinh tế trên toàn cầu. Vỡ nợ xảy ra khi bên đi vay không thể trả lãi hoặc gốc cho khoản nợ của mình khi đến hạn thanh toán. Các chính phủ vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu. Các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, mua những trái phiếu đó và nhận được cam kết sẽ được trả tiền lãi.

Việc không thanh toán dẫn đến vỡ nợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là lý do tại sao chính phủ các nước thường làm mọi cách để tránh kịch bản này. Nga đã không bị vỡ nợ kể từ năm 1917.