VNReport»Kinh tế»Tài chính»IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6%

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6%

09:28 - 20/04/2022

Châu Âu và các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương nhất trước những tác động kinh tế của cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn trong năm nay do các diễn biến liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, tổ chức này cho biết triển vọng “xấu đi đáng kể” và các nước gần nhất với cuộc chiến có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng IMF cũng cảnh báo rằng rủi ro gia tăng ở khắp mọi nơi, thúc đẩy nguy cơ tăng trưởng chậm hơn và giá cả tăng nhanh hơn, trái với quan điểm trước đó của họ rằng thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch trong năm nay.

IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay là 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 và thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với 6 tháng trước. Quỹ ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2021 là 6,1%.

Trong một phân tích mô phỏng, IMF cảnh báo lệnh cấm vận dầu khí ngay lập tức chống lại Nga sẽ làm tăng lạm phát hơn nữa, ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế châu Âu và mới nổi, đồng thời đòi hỏi lãi suất phải cao hơn nữa, bao gồm cả ở Mỹ.

IMF dự báo giá năng lượng và thực phẩm tăng cao ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi nhiều hơn các nền kinh tế phát triển.

IMF dự báo giá năng lượng và thực phẩm tăng cao ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi nhiều hơn các nền kinh tế phát triển.

Pierre-Olivier Gourinchas – nhà kinh tế trưởng của IMF – nói: “Chúng ta đang đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại [và] đối mặt với lạm phát tăng cao”.

So với dự báo hồi tháng 10 của IMF rằng lạm phát của Mỹ là 3,5% trong năm 2022, ước tính mới nhất lên tới 7,7%. Tỷ lệ lạm phát trung bình của khu vực đồng euro cũng được điều chỉnh tăng từ 1,7% lên 5,3%.

Với dự báo lạm phát của Mỹ tăng cùng với tác động kinh tế tương đối vừa phải từ cuộc xung đột Ukraine, IMF khuyến nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng. Tuy nhiên, chiến tranh có thể sẽ tác động lớn hơn đến tăng trưởng của châu Âu, làm phức tạp thêm chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang ở trong một “vị trí kém thoải mái hơn nhiều”, Gourinchas cho biết.

“Các tín hiệu ở Mỹ cho thấy rằng cần phải làm gì đó đối với lạm phát, và bởi vì nền kinh tế mạnh nên có đủ khả năng để làm điều đó mà không nhất thiết phải đi vào vùng suy thoái. ECB đang phải đối mặt với một tình huống mà nếu họ bắt đầu giải quyết lạm phát, thì điều đó sẽ khiến cho sự suy yếu của tổng cầu trở nên tồi tệ hơn. Đó không bao giờ là một tình huống tốt đối với một nhà hoạch định chính sách”.

IMF dự báo sự sụt giảm 35% GDP ở Ukraine do nước này bị phá hủy cơ sở hạ tầng và làn sóng di cư ồ ạt, trong khi các lệnh trừng phạt và tình trạng cô lập sẽ khiến GDP Nga giảm 8,5%.

Nếu châu Âu và Mỹ tiến xa hơn với các lệnh trừng phạt, họ có thể gia tăng nỗi đau kinh tế đối với Nga, IMF cho biết trong kịch bản bao gồm một lệnh cấm vận dầu khí. Điều này có thể làm giảm 15% sản lượng kinh tế Nga vào năm 2027, nhưng cũng đi kèm một cái giá đáng kể, đặc biệt là đối với các nền kinh tế châu Âu. Trong kịch bản này, IMF ước tính EU mất 3% sản lượng vào năm 2023, trong khi lạm phát toàn cầu tăng thêm 1 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới.

IMF cho biết các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm tăng trưởng trong năm 2022 và 2023 nhiều hơn so với các nền kinh tế tiên tiến, vì giá năng lượng và thực phẩm cao hơn đối với những nước nhập khẩu nhiều hàng hóa.

Nhưng tin tốt là cho đến nay chưa xuất hiện việc tháo chạy vốn đáng kể từ các nước đang phát triển kể từ khi Fed báo hiệu rằng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay.

Tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi vào năm 2023 khi giá cả ổn định nhưng dự báo vẫn thấp hơn so với trong báo cáo hồi tháng 1.