VNReport»Kinh tế»Tài chính»Sacombank thu hồi xong nợ của FLC trong tháng tới

Sacombank thu hồi xong nợ của FLC trong tháng tới

13:59 - 22/04/2022

Ngân hàng này đang cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC vay hơn 5.000 tỷ đồng.

Sáng 22/4, ngân hàng Sacombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021 với những thông tin về tình hình kinh doanh cũng như việc phân phối lợi nhuận cho các cổ đông.

Đáng chú ý, cổ đông Sacombank chất vẫn lãnh đạo ngân hàng về dư nợ của hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways khi lãnh đạo của 2 doanh nghiệp này là ông Trịnh Văn Quyết vừa bị bắt giữ. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – CEO Sacombank – cho biết ngân hàng này hiện đang cho hệ sinh thái FLC, bao gồm Bamboo Airways, vay hơn 5.000 tỷ đồng.

“Các khoản vay này tại thời điểm đó là đồng hành cùng hàng không, du lịch và đã truyền thông rộng rãi. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án bất động sản, vì vậy phương án xử lý các tài sản này cũng tốt. Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ đồng, đã thu nợ rồi và tới đây thu tiếp. Cổ đông yên tâm rằng hiện Sacombank cho vay rất chuẩn, đúng quy định”, bà Diễm nói.

Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank – cũng cho rằng khoản nợ của FLC thực chất là nợ tốt, nhưng trước sức ép của dư luận, ngân hàng này phải tiến hành thu hồi sớm. Ông Minh cho biết khoản vay của FLC sẽ được thu hồi xong trong 1 tháng nữa.

Về tình hình kinh doanh, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 521.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, huy động vốn tăng 4% lên hơn 464.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh còn 1,47%, số dự phòng tăng gần 24% lên hơn 16.130 tỷ đồng.

Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 4.400 tỷ đồng, tăng 31,8%. Các chỉ số sinh lời tiếp tục được cải thiện với ROA bình quân 0,67% và ROE 10,79%. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng 30,6% lên 1.630 đồng. Tổng vốn chủ sở hữu đạt hơn 34.600 tỷ đồng. Các tỷ lệ bảo đảm an toàn thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đặc biệt, tình hình xử lý và thu hồi nợ xấu năm 2021 của ngân hàng đạt kết quả tích cực. Sacombank đã thu hồi và xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng đạt 14.087 tỷ đồng, trong đó thu hồi 11.759 tỷ đồng các khoản thuộc đề án, vượt chỉ tiêu cổ đông giao (10.000 tỷ đồng). Kể từ khi thực hiện đề án, mức thu hồi lũy kế đạt 58.306 tỷ đồng, tương đương 67,9% so với kế hoạch tổng thể đến năm 2025, vượt 7,9% so với tiến độ.

Ngân hàng cũng đã trích lập 8.260 tỷ đồng dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng trong năm qua, nâng tổng số dự phòng lũy ​​kế lên 20.287 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án đến năm 2025. Năm ngoái, Sacombank cũng hoàn tất việc thanh lý toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ, mang về khoản thặng dư 1.684 tỷ đồng, giúp tăng vốn chủ tự có và bổ sung vốn kinh doanh.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên hơn 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021, huy động vốn tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5,280 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Các giải pháp trọng tâm được ngân hàng ưu tiên trong năm nay bao gồm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng còn lại, tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trong tất cả các hoạt động chính của ngân hàng; hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro theo Basel II. Ngoài ra, Sacombank cũng ưu tiên khai thác hiệu quả các nguồn vốn và tăng hiệu quả sử dụng tài sản; mở rộng quy mô, tăng năng suất lao động; phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) nhằm tăng cường sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Về việc chia cổ tức cho cổ đông, theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 thì lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối năm 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương đương gần 50% vốn điều lệ Sacombank. Đây là số tiền có thể được sử dụng để trả cổ tức cho các cổ đông. Tuy nhiên, do Sacombank đang triển khai đề án nên việc chia cổ tức phải chờ NHNN chấp thuận. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank liên tục trình phương án dùng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ được NHNN phê duyệt.

Một nội dung quan trọng khác trong đại hội đồng cổ đông năm nay của Sacombank là bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2026. Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.