VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp

Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp

09:41 - 25/04/2022

Ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm, đối mặt với thách thức đoàn kết đất nước đang bị chia rẽ về kinh tế và thế hệ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai theo ước tính dựa trên kết quả kiểm phiếu ban đầu, vượt qua sự chia rẽ sâu sắc giữa các cử tri lo lắng về lạm phát, chiến tranh ở Ukraine và tác động của nhập cư đối với bản sắc dân tộc của Pháp.

Ông Macron ước tính giành được 58,8% số phiếu hôm Chủ nhật, trong khi nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen giành được 41,2%, theo dự báo từ công ty thăm dò dư luận Ipsos.

Ông Macron, 44 tuổi, trở thành tổng thống Pháp đầu tiên giành được nhiệm kỳ thứ hai kể từ năm 2002, khi Tổng thống lúc bấy giờ là Jacques Chirac đánh bại cha của bà Le Pen, Jean-Marie Le Pen, trong chiến thắng áp đảo 64 điểm. Tuy nhiên, kể từ đó, đất nước đã rạn nứt theo những ranh giới kinh tế, thế hệ và địa lý, với các cử tri thành thị giàu có hơn hướng về ông Macron và các cử tri thuộc tầng lớp lao động trẻ ở vùng nông thôn ủng hộ bà Le Pen.

Ông Macron phát biểu ở Paris hôm Chủ Nhật sau khi tái đắc cử.

Ông Macron phát biểu ở Paris hôm Chủ Nhật sau khi tái đắc cử.

Ông Macron chịu áp lực phải đoàn kết hàng triệu người Pháp đã bỏ phiếu cho các đối thủ của mình trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử, khi hơn 50% số phiếu bầu thuộc về các ứng cử viên cực hữu và cực tả.

“Tôi biết rằng nhiều đồng hương của chúng ta bỏ phiếu cho tôi ngày hôm nay – không phải để ủng hộ những ý tưởng mà tôi bảo vệ – mà là để ngăn chặn những ý tưởng ​​của phe cực hữu”, ông Macron nói với hàng trăm người ủng hộ dưới chân tháp Eiffel.

Chiến thắng của ông Macron lớn hơn dự kiến. Tuy nhiên, bà Le Pen, 53 tuổi, đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với ông Macron so với cuộc bầu cử năm 2017, khi ông Macron thắng áp đảo 32 điểm. Tỷ lệ phiếu bầu cho bà hôm Chủ nhật cao nhất từ ​​trước đến nay cho một ứng cử viên cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống.

“Một làn gió tự do lớn có thể thổi qua đất nước chúng ta. Số phận của hòm phiếu đã quyết định khác”, bà Le Pen nói trong bài phát biểu chịu thua.

Ông Macron thừa nhận hôm Chủ nhật rằng làn sóng ủng hộ của công chúng đối với những quan điểm của bà Le Pen đang gia tăng. “Tôi cũng biết rằng nhiều đồng bào của chúng ta đã chọn bên cực hữu. Sự tức giận và những bất đồng khiến họ bỏ phiếu cho điều đó cũng phải có câu trả lời”, ông nói.

Theo giới phân tích, nhiều khả năng đảng của ông Macron – Đảng Tiến bước (La République en Marche) – và các đồng minh sẽ không chiếm được đa số áp đảo trong Quốc hội như ở nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Macron dự kiến ​​sẽ chọn các bộ trưởng từ bên ngoài đảng của mình để có thể giúp thu hẹp sự chia rẽ chính trị.

Pascal Perrineau – một giáo sư khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, thường được gọi là Sciences Po – cho biết: “Macron sẽ cần phải dẫn đầu chính sách hòa giải xã hội”.

Đứng đầu trong chương trình nghị sự của ông Macron là kế hoạch tinh giản hệ thống lương hưu phức tạp của Pháp và nâng tuổi nghỉ hưu của nước này từ 62 lên 65. Ông Macron nói rằng động thái này là cần thiết để tài trợ cho mức thuế thấp hơn và tăng cường chi tiêu của chính phủ cho chương trình y tế công của đất nước, đã chịu áp lực lớn trong đại dịch. Bà Le Pen và những người phản đối cho rằng việc ông Macron thúc đẩy người lao động làm việc lâu hơn là điều không thể chấp nhận được đối với tầng lớp lao động Pháp bắt đầu đi làm từ lúc còn trẻ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Macron cho biết sẽ xây dựng sự đồng thuận thông qua một loạt những cuộc tranh luận trên toàn quốc về hệ thống trường học, bệnh viện và các tổ chức dân chủ của đất nước. Ông cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các quan chức địa phương để cải thiện dịch vụ công trên toàn quốc, kể cả ở vùng nông thôn.

Những người ủng hộ ông Macron ăn mừng ở Tháp Eiffel hôm Chủ Nhật.

Những người ủng hộ ông Macron ăn mừng ở Tháp Eiffel hôm Chủ Nhật.

Ông Macron có khoảng cách dẫn trước đáng kể trong những cuộc thăm dò hồi đầu tháng 3 khi cử tri tìm kiếm một bàn tay vững chắc để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chiến tranh. Các trợ lý của ông Macron cho biết Tổng thống quá bận rộn với công việc ngoại giao, thực hiện những cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, để thực sự dành thời gian vận động tranh cử.

Tuy nhiên, chiến dịch của ông Macron bắt đầu lo lắng vì khoảng cách dẫn trước của ông trong các cuộc thăm dò dần biến mất khi tiến vào vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 10/4. Ông Macron giành được 27,9% phiếu bầu ở vòng đó so với 23,2% của bà Le Pen.

Tháng 6 tới, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ là một bài kiểm tra đối với cả ông Macron và bà Le Pen. Vào năm 2017, các ứng cử viên thuộc đảng mới thành lập của ông giành được đa số ghế.

Tuy nhiên, những người đã bỏ phiếu cho ông Macron vào Chủ nhật chỉ vì phản đối bà Le Pen khó có khả năng ủng hộ đảng của ông vào tháng 6, khi các đảng khác sẽ có ứng cử viên trên lá phiếu. Trong khi đó, đảng của bà Le Pen thường không có kết quả tốt trong các cuộc bầu cử Quốc hội trước đây.

Cả ông Macron và bà Le Pen đều phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đảng của chính khách cực tả Jean-Luc Mélenchon, người giành được 22% phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Các đảng khác có kết quả không tốt trong cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ đề cử những ứng cử viên của họ.