VNReport»Kinh tế»Tài chính»Fed tăng lãi suất mức cao nhất trong 20 năm

Fed tăng lãi suất mức cao nhất trong 20 năm

09:34 - 05/05/2022

Fed lần đầu tiên tăng lãi suất với tốc độ 0,5 điểm phần trăm trong 20 năm, nhằm chiến đấu với lạm phát ở Mỹ đang cao nhất trong 40 năm.

Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chuẩn ở mức 0,5 điểm phần trăm lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Đây là một động thái của các nhà hoạch định chính sách trong cuộc chiến hạ nhiệt lạm phát đang nóng, nhưng có thể làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc tăng 50 điểm cơ bản – đã được dự đoán từ trước – đưa lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên mức từ 0,75% đến 1,0%, cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu 2 năm trước.

Fed cũng thông báo họ sẽ bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán khổng lồ trị giá 9 nghìn tỷ USD, phình to gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch khi ngân hàng trung ương này mua các loại chứng khoán để bơm tiền vào nền kinh tế. Trong một kế hoạch được vạch ra hôm thứ Tư, Fed cho biết họ dự kiến bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán từ ngày 1/6 với tốc độ ban đầu là 47,5 tỷ USD mỗi tháng. Tốc độ thu hẹp sau 3 tháng tăng lên 95 tỷ USD.

Nhìn chung, các bước đi trên đánh dấu chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ khi Fed chạy đua để đón đầu lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 3.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dập tắt khả năng tăng 0,75 điểm phần trăm, giúp cổ phiếu Mỹ tăng mạnh.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dập tắt khả năng tăng 0,75 điểm phần trăm, khiến cổ phiếu Mỹ tăng mạnh.

“Lạm phát đang ở mức quá cao”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách. “Chúng tôi hiểu sự khó khăn mà nó đang gây ra và chúng tôi đang khẩn trương nỗ lực để giảm nó trở lại. Chúng tôi có cả những công cụ cần thiết và quyết tâm để khôi phục sự ổn định giá thay mặt cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ”.

Câu hỏi bây giờ là liệu Fed có thể thực hiện thành công hay không một cú “hạ cánh mềm” – điểm cân bằng giữa việc giảm nhu cầu để hạ nhiệt lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Việc tăng lãi suất có xu hướng tạo ra lãi suất vay cao hơn lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến họ cắt giảm chi tiêu và làm chậm nền kinh tế.

Ông Powell chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách muốn tăng lãi suất sớm hơn để đạt được mức trung tính (không duy trì cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng). Ông nói rằng việc tăng thêm 50 điểm cơ bản sẽ được cân nhắc trong các cuộc họp tới đây nhưng hiện loại trừ khả năng tăng 75 điểm cơ bản. Định giá thị trường hiện tại cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng lãi suất tăng lên mức 3% đến 3,25% vào cuối năm, theo dữ liệu của CME Group.

Cổ phiếu Mỹ tăng mạnh sau khi ông Powell bác bỏ khả năng tăng 75 điểm cơ bản, với chỉ số S&P 500 ghi nhận ngày tốt nhất kể từ tháng 5/2020.

“Với sự thắt chặt phù hợp trong lập trường chính sách tiền tệ, Ủy ban [Thị trường Mở Liên bang] kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% và thị trường lao động sẽ tiếp tục mạnh mẽ”, Fed cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp.

Fed phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi từ các nhà kinh tế cho rằng họ đã chờ đợi quá lâu để hành động chống lạm phát. Hiện trên Phố Wall, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương sẽ không tránh được suy thoái. Goldman Sachs, Bank of America và Deutsche Bank nằm trong số các tổ chức dự báo suy thoái trong vòng 2 năm tới.

Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh vẫn mạnh mẽ. Tuần trước, Cục Thống kê Lao động báo cáo rằng nền kinh tế bất ngờ thu hẹp trong quý đầu tiên của năm, lần đầu tiên kể từ mùa xuân năm 2020, khi nền kinh tế Mỹ chìm sâu trong đợt suy thoái do Covid gây ra.

Ông Powell thừa nhận có thể có một số tác động tiêu cực liên quan đến việc giảm lạm phát và kiềm chế nhu cầu, nhưng cảnh báo rằng mối đe dọa lớn hơn là lạm phát dai dẳng. Ông cũng bác bỏ lo ngại về nguy cơ suy thoái. “Đây là một nền kinh tế mạnh”, ông nói. “Không có gì cho thấy nó sắp hoặc có nguy cơ suy thoái”.