VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong gần hai năm

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong gần hai năm

09:24 - 19/05/2022

Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 4% trong ngày tệ nhất kể từ tháng 6/2020, sau khi các công ty bán lẻ công bố kết quả thất vọng.

Hôm thứ Tư, chứng khoán Mỹ chịu mức giảm mạnh nhất kể từ những tháng đầu của đại dịch Covid-19. Kết quả yếu kém từ những công ty lớn trong ngành tiêu dùng gây lo ngại về tác động của lạm phát và chuỗi cung ứng tắc nghẽn lên lợi nhuận doanh nghiệp.

Chỉ số S&P 500 giảm 4% – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2020 – với 98% cổ phiếu trong chỉ số mất giá ngày hôm qua. Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones cũng giảm 3,6%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong năm nay. Nguồn: TradingView.

3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong năm nay. Nguồn: TradingView.

Công ty bán lẻ Target dẫn đầu đà sụt giảm, mất 25% giá trị sau khi họ cho biết chi phí vận tải, tiền lương, nhiên liệu tăng và logistics bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của mình. Cảnh báo được đưa ra một ngày sau khi Walmart – nhà bán lẻ truyền thống lớn nhất thế giới – cắt giảm dự báo lợi nhuận và cho biết họ cũng chưa đón đầu được xu hướng lạm phát trên diện rộng.

Những báo cáo quý yếu kém đẩy mạnh tình trạng bán tháo trên khắp các sàn giao dịch Mỹ. Giới đầu tư đang lo ngại về suy thoái kinh tế và cắt giảm các vị thế trong danh mục đầu tư của mình. Những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Apple, Nvidia và Amazon đều giảm hơn 5%, khiến chỉ số Tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ giảm 4,7%.

“Câu chuyện tăng trưởng [kinh tế] đang bắt đầu đổ vỡ”, Michael Metcalfe, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại State Street Global Markets, cho biết. “Và điều đó đang bắt đầu thể hiện trong lợi nhuận [doanh nghiệp]”.

Mức giảm giá cổ phiếu của Target là mức giảm theo ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987, một cột mốc mà Walmart cũng phải hứng chịu trong phiên trước đó. Walmart tiếp tục trượt giá vào thứ Tư, trong khi các nhà bán lẻ khác bao gồm Dollar Tree, Costco và Best Buy đều giảm hơn 10%.

“Các con số của Walmart [và] Target rất đáng lo ngại, vì chúng cho thấy người tiêu dùng đang giảm mua hàng tùy ý trong khi lợi nhuận doanh nghiệp trở lại mức trước đại dịch”, Eric Johnston tại Cantor Fitzgerald cho biết. “Đây là 2 khía cạnh lớn trong luận điểm giảm giá của chúng tôi”.

Việc thoát khỏi các tài sản rủi ro thúc đẩy đà tăng giá của trái phiếu chính phủ và những tài sản khác được coi là nơi trú ẩn an toàn. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,09 điểm phần trăm xuống 2,89% (Lợi tức giảm khi giá tăng). Chỉ số dollar, đo lường đồng USD so với một rổ các đồng tiền khác, cũng tạm dừng đà trượt giá gần đây và leo lên 0,5%.

Chỉ số S&P tăng 2% vào thứ Ba, trong một đợt phục hồi ngắn ngủi sau chuỗi những tuần giảm liên tiếp tồi tệ nhất đối với chứng khoán toàn cầu kể từ năm 2008. Các nhà phân tích cảnh báo rằng bước tăng hôm thứ Ba là một đợt phục hồi của thị trường giá xuống, trong đó xu hướng giảm trên thị trường chứng khoán xen kẽ bởi những đợt phục hồi nhẹ.

Tâm trạng ảm đạm trên thị trường diễn ra khi các ngân hàng trung ương hàng đầu đảo ngược những chính sách hỗ trợ trong thời kỷ đại dịch – bao gồm thiết lập lãi suất gần bằng 0 và mua trái phiếu chính phủ với tốc độ kỷ lục. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm kể từ tháng 3 và báo hiệu những đợt tăng mạnh sắp tới.

“Sự suy yếu của thị trường chứng khoán chủ yếu là do điều kiện tài chính thắt chặt hơn, nhưng điều chưa được định giá là khả năng giảm tăng trưởng [kinh tế] và theo đó là lợi nhuận [doanh nghiệp]”, Candice Bangsund, giám đốc danh mục đầu tư tại Fiera Capital cho biết. “Thời gian qua, chúng tôi bắt đầu có quan điểm rằng kỳ vọng lợi nhuận quá lạc quan trong môi trường lạm phát, có khả năng làm giảm tỷ suất lợi nhuận”.