VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Năng lượng mặt trời của Việt Nam đang bị lãng phí

Năng lượng mặt trời của Việt Nam đang bị lãng phí

14:40 - 19/05/2022

Các trang trại điện mặt trời và điện gió phải giới hạn công suất vì những hạn chế về cơ sở hạ tầng, theo tờ Al Jazeera.

12 ngày mỗi tháng, Trần Như Anh Kiệt – một chủ siêu thị ở tỉnh Ninh Thuận – buộc phải tắt các tấm quang điện của mình trong những giờ nắng cao điểm nhất. “Tôi đang mất trung bình 40% sản lượng”, ông Kiệt nói với Al Jazeera, đề cập đến các tấm quang điện mà ông lắp đặt trên nóc cửa hàng của mình để có thể bán điện cho lưới điện quốc gia.

“Trước khi cắt giảm, doanh thu của chúng tôi là 100 triệu đồng, bây giờ chỉ là 60 triệu đồng”. Nếu ông Kiệt không tự tắt, thì công ty điện sẽ “đến tắt thay”.

Trên khắp miền Nam và Tây Nguyên, chính quyền đang yêu cầu các nhà sản xuất năng lượng quy mô nhỏ như ông Kiệt và các trang trại năng lượng mặt trời công nghiệp giảm hoạt động do hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Tỉnh Ninh Thuận có công suất năng lượng mặt trời cao hơn mức mà lưới điện quốc gia có thể xử lý.

Tỉnh Ninh Thuận có công suất năng lượng mặt trời cao hơn mức mà lưới điện quốc gia có thể xử lý.

Sau sự bùng nổ chưa từng có trong đầu tư vào năng lượng tái tạo những năm gần đây, các đường dây truyền tải kết nối những dự án năng lượng mặt trời và gió vào lưới điện quốc gia thiếu khả năng xử lý nguồn cung tăng đột biến. Các nhà hoạch định chính sách cũng không thể theo kịp, để lại những lỗ hổng quy định khiến một số nhà đầu tư không thể kiếm tiền từ điện mà họ phát được.

“Một đường dây [truyền tải] mất 3 năm để xây dựng và một trang trại gió mất 1 năm”, theo Minh Hà Dương, một chuyên gia năng lượng sạch. “Vì vậy, các đường đây cần được lên kế hoạch trước nhiều năm. Điều này không thể xảy ra vì năm 2018, không ai biết chắc chắn sẽ cần đường dây ở đâu”.

Từ năm 2017 đến cuối năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra hợp đồng 20 năm để mua điện từ các dự án điện mặt trời và điện gió mới với giá cố định. Đây là một chính sách được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới nhằm khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo được gọi là “feed-in tariff” (FIT). Mức giá hơn 70 USD/MWh này vượt xa những gì các nước Đông Nam Á khác chào mua khi đó. Ví dụ, FIT mái nhà ở Thái Lan vào năm 2019 chỉ là khoảng 57 USD/MWh.

“Lý do của chính sách này là để tránh rủi ro thiếu điện”, ông Dương nói. “Bởi vì các nhà máy điện than và khí đốt mà chúng tôi dự định xây dựng không [hoàn thành] đúng thời hạn”.

Chính sách đó đã có tác dụng. Biểu giá hấp dẫn cùng với thời hạn áp dụng ngắn làm dấy lên một cơn sốt xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Trần Như Anh Kiệt nằm trong làn sóng những nhà đầu tư đánh cược vào năng lượng tái tạo.

Trần Như Anh Kiệt nằm trong làn sóng những nhà đầu tư đánh cược vào năng lượng tái tạo.

BIM Energy là một trong những nhà đầu tư lớn của Việt Nam đã nhảy vào cuộc đua, với lý do mức FIT hấp dẫn và cam kết quốc gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng từ 6% năm 2016 lên 10% vào năm 2030. “Chính phủ đã ban hành các cơ chế đột phá cho năng lượng gió và mặt trời”, theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó giám đốc BIM Energy. “Song song đó, chính quyền địa phương làm việc cùng với chúng tôi trong suốt giai đoạn phát triển dự án”.

Nỗ lực đó giúp công ty hoàn thành các trang trại điện mặt trời và gió trị giá 500MW kịp thời để được hưởng mức FIT ưu đãi. Các chương trình hỗ trợ chính của Chính phủ bao gồm miễn thuế thu nhập và tiền thuê đất. Sự lo ngại ngày càng lớn về ô nhiễm không khí do than cũng thúc đẩy sự ủng hộ cho năng lượng sạch.

Năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nước có công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió lớn nhất Đông Nam Á. Đến năm sau, tổng công suất điện mặt trời của cả nước đạt 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW của chính phủ. Ở Ninh Thuận, nhiều tấm quang điện và tua bin gió sừng sững giữa những cánh đồng lúa và ruộng muối.

Ông Kiệt chứng kiến tận mắt sự bùng nổ này. Nhận thấy cơ hội do giá tấm quang điện giảm và các ưu đãi của chính phủ, năm 2019, ông Kiệt đồng sáng lập Viet Sun, một trong khoảng 100 công ty lắp đặt tấm quang điện mái nhà mọc lên ở Ninh Thuận vào thời điểm đó. Chỉ với 14 nhân viên, đến nay, Viet Sun đã có hơn 300 khách hàng, từ nông dân đến giáo viên cũ của ông.

Nhưng giống như mọi chu kỳ bùng nổ khác, sau đó là sự thoái trào.

Một số nhà đầu tư năng lượng tái tạo không thể bán hết lượng điện mà họ sản xuất được.

Một số nhà đầu tư năng lượng tái tạo không thể bán hết lượng điện mà họ sản xuất được.

Trong quá trình triển khai FIT mới nhất kết thúc vào năm 2020, chính phủ đã giới hạn công suất điện mặt trời được hưởng ưu đãi ở Ninh Thuận ở mức 2.000 MW. Mặc dù chính quyền đến từng nhà vào cuối năm 2020 để khuyên người dân không đầu tư thêm nữa, việc lắp đặt vẫn tiếp tục. Vào tháng 3, Thanh tra Chính phủ phát hiện ra rằng nhiều công ty điện lực ở miền Nam, bao gồm cả Ninh Thuận, đã kết nối các tấm quang điện mái nhà mới sau khi hết thời hạn FIT.

Không có cơ chế định giá phù hợp, một số nhà đầu tư năng lượng mặt trời không thể bán tất cả điện năng mà họ tạo ra. Trong số đó có trang trại năng lượng mặt trời Thuận Nam của Trung Nam Group – trang trại lớn nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, đủ điều kiện hưởng mức FIT là 93,5 USD/MWh, trang trại vẫn chưa thể bán được 40% công suất tối đa 450 MW vì tổng sản lượng điện mặt trời của Ninh Thuận đã vượt quá mức giới hạn 2.000 MW của Chính phủ. Ngoài ra, cũng giống như các khoản đầu tư khác ở miền Nam, dự án phải đối mặt với năng lực đường truyền hạn chế.

“Điều này là vô cùng lãng phí cho công ty và lãng phí tài nguyên quốc gia”, Trung Nam Group cho biết trong một tuyên bố. “Nguồn thu của chúng tôi do đó gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cân đối sổ sách, thu xếp vốn cũng như uy tín của Trung Nam trong mắt các đối tác tài chính”.

BIM Energy xây các trang trại điện mặt trời và điện gió công suất 500 MW trong thời kỳ bùng nổ năng lượng tái tạo.

BIM Energy xây các trang trại điện mặt trời và điện gió công suất 500 MW trong thời kỳ bùng nổ năng lượng tái tạo.

Năm ngoái là thời gian đặc biệt khó khăn đối với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo của Việt Nam. Việc đóng cửa kinh doanh trong thời gian Covid-19 làm giảm nhu cầu điện năng, buộc họ phải cắt giảm công suất trên diện rộng. Vào tháng 9, khoảng 40 nhà đầu tư năng lượng mặt trời ở tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ sau khi họ bị buộc phải liên tục cắt giảm nguồn cung, gây ra khó khăn về tài chính.

“Họ cắt [nguồn cung điện] vào mỗi cuối tuần, họ cắt 50% công suất”, theo bà Huỳnh Thị Hà thuộc Công ty TNHH Hùng Khánh Solar, một trong những nhà đầu tư. “Điều đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của tôi”.

Sự không chắc chắn về hạn chế nguồn cung và định giá sau FIT cũng đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư điện gió. Nhiều đơn vị bị chậm trễ đáng kể trong quá trình xây dựng, không thể đưa các chuyên gia nước ngoài và vận chuyển tuabin gió đúng hạn do tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế đi lại trong suốt năm 2021. Kết quả là 62 dự án điện gió đã bỏ lỡ thời hạn cuối cùng để nhận FIT vào tháng 10.

Cho đến nay, chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách giá thay thế, khiến các dự án điện gió và điện mặt trời hoàn thành xây dựng sau khi hết hạn FIT không thể bán điện. “Các công ty điện gió lỡ hạn FIT đang nóng lòng chờ đợi một cơ chế mới, vì họ đã đầu tư tiền vào dự án”, theo ông Bùi Vĩnh Thắng, giám đốc quốc gia của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu. “Chúng tôi cần một chính sách mới với một lộ trình rõ ràng”.

Nhưng bất chấp rủi ro, thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng gió, vẫn hấp dẫn và có khả năng sinh lời trong mắt nhiều nhà đầu tư, theo ông Thắng.

Việt Nam dự kiến ​​sẽ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch Điện VIII) vào tháng 5 này, sau 2 năm sửa đổi và trì hoãn. Dự thảo mới nhất đã được sửa đổi để phản ánh cam kết trung tính carbon của Chính phủ vào năm 2050. Theo kế hoạch, tỷ trọng điện than giảm từ khoảng 30% vào năm 2025 xuống 13% vào năm 2045, với năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) tăng từ khoảng 23% năm 2025 lên đến 52% năm 2045.

Đồng thời, tiềm năng phục hồi xanh sau đại dịch cũng có thể tiếp tục giúp năng lượng tái tạo ở Việt Nam bùng nổ.

Vào tháng 1, Ngân hàng Thế giới thúc giục Việt Nam khởi động các chương trình đấu giá cạnh tranh cho năng lượng tái tạo thay cho các FIT hết hạn, đồng thời hiện đại hóa lưới điện quốc gia và giới thiệu những hệ thống lưu trữ năng lượng.

Các nhà đầu tư đã bắt đầu hành động. Tập đoàn Trung Nam là đơn vị tư nhân đầu tiên xây dựng đường truyền, theo truyền thống vốn là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước. Trong khi đó, những nhà đầu tư nhỏ hơn như ông Kiệt đang xem xét lựa chọn cung cấp pin giá cả phải chăng cho các tấm quang điện trên mái nhà.

“Chúng ta có một nghịch lý là hiện nay nguồn cung cấp điện từ các nguồn tái tạo đang dư thừa nhưng lại phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc”, ông Kiệt nói. “Cho đến nay, đầu tư năng lượng mặt trời thật lãng phí”.