VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Xăng tăng giá lần thứ 4 liên tiếp, vượt 30.000 đồng

Xăng tăng giá lần thứ 4 liên tiếp, vượt 30.000 đồng

15:05 - 23/05/2022

Giá các mặt hàng xăng tăng thêm 670-680 đồng/lít, dầu giảm 760-1.100 đồng/lít hoặc kg.

Liên Bộ Tài chính – Công thương tăng giá xăng E5 RON 92 ở mức 680 đồng/lít, xăng RON 95 là 670 đồng/lít kể từ chiều 23/5. Sau khi tăng, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp và là lần tăng thứ 10 của mặt hàng này kể từ đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã lập đỉnh mới. Đặc biệt, xăng RON 95 lần đầu tiên vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu trong kỳ điều hành này được điều chỉnh giảm. Theo đó, giá bán đối với dầu diesel là 25.550 đồng/lít (giảm 1.100 đồng), dầu hỏa là 24.400 đồng/lít (giảm 760 đồng), dầu mazut là 20.590 đồng/kg (giảm 970 đồng).

Trong kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn đối với dầu diesel và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut là 400 đồng/kg; đồng thời chi quỹ bình ổn ở mức 100 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 300 đồng/lít với xăng RON 95.

Tính đến cuối tháng 3, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm gần 170 tỷ đồng. Cập nhật đến ngày 11/5, Petrolimex cho biết quỹ bình ổn tại doanh nghiệp này âm 53 tỷ đồng, PV Oil âm 1.030 tỷ đồng …

Từ kỳ điều hành ngày 11/5 đến nay, giá dầu thô thế giới dao động quanh mức 110 USD/thùng. Tuy nhiên, giá xăng trong nước liên tục tăng, lập những mức giá kỷ lục mới bất chấp thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 2.000 đồng/lít kể từ đầu tháng 4.

Bộ Công Thương nói rằng giá xăng dầu trong nước không căn cứ vào giá dầu thô thế giới mà phụ thuộc vào giá xăng dầu thành phẩm qua quá trình lọc dầu của các nhà cung cấp ở các nước khác, chủ yếu từ Singapore.

Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thô thế giới lúc 14h ngày 23/5 (giờ Việt Nam) theo các chuẩn WTI và Brent giao dịch ở mức 111-113 USD/thùng, tăng 0,9-1%.

Ngày 19/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo kết luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Theo đó, cơ quan này kiến ​​nghị Chính phủ có giải pháp bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như than, xăng dầu, vật liệu xây dựng …