VNReport»Top»10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới

10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới

16:30 - 27/05/2022

Các doanh nghiệp Mỹ chiếm 9/10 vị trí trong danh sách những công ty phần mềm lớn nhất thế giới, đứng đầu là Microsoft.

Phần mềm là một thành phần không thể thiếu của công nghệ, đóng vai trò hướng dẫn phần cứng thực hiện những công việc theo ý muốn của con người.

Bởi vì phần mềm chỉ là những đoạn mã trên máy tính, nó có thể được sao chép lại với chi phí rất thấp. Hơn nữa, một phần mềm càng hữu ích hơn khi có nhiều người sử dụng hơn, tạo ra “hiệu ứng mạng”. Đây là những lý do khiến ngành công nghiệp phần mềm có tỷ suất lợi nhuận rất cao.

Sau đây là 10 công ty lớn nhất thế giới trong ngành, xếp theo doanh thu lĩnh vực phần mềm của họ năm 2021.

  1. Microsoft (168,1 tỷ USD)

Với doanh thu 168,1 tỷ USD, doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp phần mềm là Microsoft. Công ty được thành lập vào năm 1975 bởi 2 nhà đồng sáng lập Paul Allen và Bill Gates. Microsoft cung cấp rất nhiều phần mềm cho nhiều mục đích sử dụng. Sản phẩm được biết đến nhiều nhất và phổ biến nhất của họ là hệ điều hành “Windows”, được lắp đặt trên gần một tỷ máy tính trên toàn thế giới. Đây là hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất trên máy tính.

Ngoài Windows, Microsoft cũng cung cấp bộ phần mềm năng suất phổ biến nhất trên thế giới, Office. Với 2 sản phẩm có mặt trên hầu hết các máy tính trên thế giới, và nhiều sản phẩm phần mềm nổi tiếng khác, không có gì ngạc nhiên khi Microsoft tiếp tục thống trị thị trường phần mềm toàn cầu.

  1. Oracle (40,5 tỷ USD)

Oracle là công ty phần mềm lớn thứ hai. Công ty Mỹ – có trụ sở ngay tại Thung lũng Silicon – là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về phần mềm doanh nghiệp cũng như Phần mềm dạng Dịch vụ (SaaS). Công ty được thành lập vào năm 1977 bởi các nhà đồng sáng lập Larry Ellison, Bob Miner và Ed Oates.

Oracle ghi nhận doanh thu 40,5 tỷ USD vào năm ngoái. Phần mềm Oracle chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực kinh doanh như Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Quản lý nguồn nhân lực (HCM) và Quản lý chuỗi cung ứng (SCM).

  1. SAP (32,3 tỷ USD)

SAP là công ty duy nhất trong top 10 công ty phần mềm hàng đầu không phải của Mỹ. Với doanh thu 32,3 tỷ USD vào năm ngoái, công ty của Đức là doanh nghiệp phần mềm lớn thứ 3 trên thế giới và lớn nhất ở châu Âu.

Công ty được thành lập vào năm 1972 bởi 5 kỹ sư người Đức từng làm việc tại IBM. Hiện, SAP có trụ sở chính tại thành phố nhỏ Walldorf ở tây nam nước Đức. Công ty tập trung vào phần mềm Doanh nghiệp cũng như cung cấp Phần mềm dạng Dịch vụ (SaaS) cho các khách hàng trên toàn thế giới. SAP đặc biệt nổi tiếng với phần mềm Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Đây là lĩnh vực mà công ty của Đức dẫn đầu thị trường toàn cầu.

  1. IBM (23,4 tỷ USD)

IBM có lẽ là doanh nghiệp phần mềm lâu đời nhất hiện vẫn còn tồn tại, thành lập năm 1911 để sản xuất các loại máy như máy lập bảng và máy ghi thời gian. Đây là một trong những tổ chức nghiên cứu lớn nhất của Mỹ. Tính đến năm 2020, IBM giữ kỷ lục về số bằng sáng chế của một doanh nghiệp Mỹ 28 năm liên tiếp.

Các phát minh của IBM bao gồm máy ATM, đĩa mềm, ổ đĩa cứng, thẻ từ, ngôn ngữ lập trình SQL … Hiện nay, công ty chuyên về các lĩnh vực hướng đến tương lai như trí tuệ nhân tạo.

Về phần mềm, IBM là doanh nghiệp hàng đầu trong phát triển phần mềm nhận thức và đám mây. Năm ngoái, IBM ghi nhận doanh thu phần mềm 23,4 tỷ USD.

  1. Salesforce.com (17,1 tỷ USD)

Salesforce.com được thành lập vào năm 1999 bởi 4 cựu giám đốc điều hành của Oracle. Công ty có trụ sở tại San Francisco, bang California.

Năm 2021, Salesforce.com đạt doanh thu 17,1 tỷ USD. Trọng tâm chính của công ty nằm ở phần mềm doanh nghiệp, cụ thể là trong lĩnh vực phần mềm Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), nơi Salesforce dẫn đầu toàn cầu. Công ty cũng sở hữu Slack – một dịch vụ quản lý làm việc nhóm phổ biến.

  1. Adobe (15,8 tỷ USD)

Adobe được biết đến với nhiều sản phẩm phần mềm trong ngành thiết kế đồ họa, thiết kế web và chỉnh sửa video – các lĩnh vực mà họ dẫn đầu ngành. Năm 2021, Adobe ghi nhận doanh thu 25,8 tỷ USD.

Công ty có trụ sở tại San Jose, bang California có lẽ được biết đến nhiều nhất với loạt phần mềm chỉnh sửa đồ họa Photoshop. Các sản phẩm khác của công ty bao gồm Adobe Illustrator, Adobe Acrobat, Adobe Flash, Adobe Premiere …

  1. Fiserv (14,9 tỷ USD)

Fiserv là công ty có trụ sở ở bang Wisconsin, Mỹ và chuyên phát triển phần mềm cho ngành tài chính. Do đó, khách hàng của Fiserv chủ yếu bao gồm các ngân hàng, công ty môi giới chứng khoán, các định chế tài chính, ngoài ra cũng có các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Doanh nghiệp được thành lập năm 1984 này báo cáo doanh thu 14,9 tỷ USD trong năm 2021. Trong 8 năm liên tiếp từ 2014 đến 2021, Fiserv có tên trong danh sách “Những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới” của Fortune.

  1. ADP (14,6 tỷ USD)

ADP có trụ sở tại bang New Jersey, Mỹ, là một công ty lớn khác trong phân khúc phần mềm doanh nghiệp, với doanh thu 14,6 tỷ USD năm ngoái. Công ty chuyên về phần mềm quản lý nhân sự và tiền lương.

Công ty được thành lập năm 1949 với tư cách là đơn vị chuyên xử lý tiền lương bằng tay. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, ADP đã đưa ra những sản phẩm tự động hóa quy trình này. Công ty có khoảng 58.000 nhân viên trên toàn cầu.

  1. Dell Technologies (11,9 tỷ USD)

Mảng kinh doanh chính của Dell Technologies là sản xuất máy tính. Tuy nhiên, thông qua các công ty con, tập đoàn có trụ sở tại bang Texas, Mỹ cũng tham gia vào vào ngành công nghiệp phần mềm.

Dell là chủ sở hữu đa số của VMware, một thương hiệu phần mềm ảo hóa và doanh nghiệp. Ngoài ra, Dell cũng sở hữu Secureworks, cung cấp các dịch vụ an ninh mạng và RSA Security, một công ty kinh doanh phần mềm mã hóa. Năm 2021, Dell thu về 11,9 tỷ USD từ lĩnh vực phần mềm.

  1. Broadcom (7,1 tỷ USD)

Broadcom chủ yếu sản xuất chất bán dẫn. Nhưng thông qua 2 công ty con CA Technologies cũng như NortonLifeLock (trước đây là Symantec), tập đoàn Mỹ có trụ sở tại Irvine, bang California cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh phần mềm. CA Technologies tập trung vào phần mềm Doanh nghiệp, trong khi NortonLifeLock là nhà cung cấp phần mềm Bảo mật hàng đầu.

Ngoài ra, bản thân Broadcom cũng cung cấp phần mềm hạ tầng. Doanh số bán phần mềm trên toàn thế giới của công ty lên tới 7,1 tỷ USD vào năm ngoái. Với việc mua lại VMware trong một thương vụ trị giá 61 tỷ USD gần đây, doanh số phần mềm – đặc biệt là phần mềm doanh nghiệp – của Broadcom nhiều khả năng tăng mạnh trong những năm tới.