VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»EU cam kết hạn chế mua dầu từ Nga

EU cam kết hạn chế mua dầu từ Nga

11:08 - 31/05/2022

Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm mua dầu của Nga, với ngoại trừ là dầu giao qua đường ống.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên cho biết họ sẽ áp đặt một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, thực hiện một bước tiến lớn trong cuộc chiến kinh tế chống lại Moscow và có thể làm gia tăng căng thẳng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Lệnh cấm vận không bao gồm dầu giao từ Nga qua đường ống – chiếm 1/3 lượng dầu EU mua từ Nga. Các quan chức EU cho biết đến cuối năm nay, lệnh cấm vận sẽ bao gồm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga trước đây. Động thái này dự kiến được thực hiện theo từng giai đoạn trong vài tháng.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các quan chức cấp cao của EU dự kiến ​​gặp nhau vào thứ Tư để ký kết lệnh cấm vận dầu mỏ. Điều này sẽ mở khóa gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga. Các động thái bao gồm việc loại bỏ 3 ngân hàng Nga – bao gồm cả ngân hàng lớn nhất, Sberbank – khỏi mạng lưới giao dịch tài chính Swift, lệnh cấm đối với 3 đài truyền hình hàng đầu của Nga trong khối, và những biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức quân sự Nga và nhân vật hàng đầu khác.

“Thỏa thuận cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU”, ông Michel cho biết vào cuối ngày thứ Hai trên Twitter. “Điều này … bao gồm hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm nguồn tài chính cho cỗ máy chiến tranh của họ”.

Dầu giao qua đường biển – chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Nga vào EU – sẽ bị cấm theo quyết định mới.

Dầu giao qua đường biển – chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Nga vào EU – sẽ bị cấm theo quyết định mới.

Các nhà lãnh đạo EU làm việc suốt đêm để đạt được sự tán thành rộng rãi về lệnh cấm vận dầu mỏ, vốn vấp phải sự phản đối của lãnh đạo các nước phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga, đặc biệt là Hungary.

Triển vọng về thỏa thuận của EU hạn chế mua dầu của Nga, kết hợp với việc Trung Quốc nới lỏng phong tỏa Covid-19, đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng trong phiên giao dịch thứ Hai.

Trong gần 2 tháng, giới chức EU đã đắn đo về cách hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga, mà khối này phải trả hàng chục tỷ USD hàng tháng. Các nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng muốn ngừng tài trợ cho chính phủ Nga, nhưng sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga ở nhiều nước EU đã cản trở những nỗ lực đó.

EU là lo ngại rằng sự ủng hộ của công chúng đối với các lệnh trừng phạt có thể suy yếu nếu lệnh cấm vận dầu mỏ khiến hóa đơn năng lượng của người dân vốn đã cao thậm chí còn cao hơn, tác động đến nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch.

Đức – nền kinh tế lớn nhất EU – phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga qua các đường ống. Berlin và các chính quyền khác cho biết họ không thể nhanh chóng thay thế lượng khí đốt dồi dào của Nga. Tuy nhiên, Đức đã nhanh chóng giảm mua dầu của Nga trong những tuần gần đây.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý cung cấp cho Ukraine 9 tỷ euro cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại trong những tháng tới, tương đương với khoản tài trợ từ Mỹ.

Nhiều nước trong số 27 thành viên của EU có thể dễ dàng ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, qua đường ống hay tàu biển. Nhưng Hungary – nước không giáp biển – phản đối lệnh cấm như vậy, nói rằng thiệt hại kinh tế quá lớn. Để có được sự ủng hộ của nước này, lệnh cấm mới không đưa ra ngày cụ thể nào để chấm dứt miễn trừ đối với dầu qua đường ống.

Lệnh cấm của EU – ngay cả với miễn trừ dầu qua đường ống – sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu từ dầu của Nga. Theo Bruegel – một tổ chức nghiên cứu – năm 2020, khoảng 3/4 trong số 2,8 triệu thùng dầu thô của Nga xuất khẩu sang châu Âu được vận chuyển bằng tàu biển.

Đức – nước nhập khẩu dầu của Nga thông qua nhánh phía bắc của đường ống Druzhba – cam kết thay thế lượng dầu thô đó bằng nguồn cung khác vào cuối năm. Như vậy, chỉ có Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia nhập khẩu khoảng 250.000 thùng dầu mỗi ngày thông qua nhánh phía nam của đường ống, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.