VNReport»Top»10 nước có tàu sân bay đang hoạt động

10 nước có tàu sân bay đang hoạt động

16:45 - 03/06/2022

Có rất ít quốc gia đang sở hữu tàu sân bay, và trừ Mỹ, không có nước nào có hơn 2 tàu chiến dạng này.

Tàu sân bay là loại tàu chiến có vai trò như một căn cứ không quân trên biển. Nó cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở khoảng cách lớn mà không cần có căn cứ mặt đất ở gần đó. Vì vậy, nó có vai trò quan trọng trong sức mạnh hải quân của các nước muốn triển khai quân sự trên một vùng địa lý rộng lớn, và thường đóng vai trò là soái hạm trong các hạm đội hải quân lớn.

Vì chi phí đóng và vận hành rất đắt đỏ, chỉ có tổng cộng 23 tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới, phục vụ hải quân của 10 nước sau đây.

  1. Mỹ (11 tàu)

Với 11 tàu sân bay đang hoạt động, Mỹ chiếm gần một nửa trong số tổng cộng 23 tàu sân bay đang hoạt động trên toàn thế giới. Trong số các tàu này, có 10 tàu thuộc lớp Nimitz và 1 tàu thuộc lớp mới Gerald R. Ford – tàu sân bay lớn nhất thế giới với khối lượng choán nước 100.000 tấn và chiều dài 333 mét. Ngoài ra, nước này cũng đang đóng 3 tàu khác thuộc lớp Gerald R. Ford.

Số lượng tàu sân bay lớn đóng góp vào sức mạnh hàng đầu thế giới của Hải quân Mỹ. Chúng đóng vai trò trung tâm trong khả năng triển khai sức mạnh của quân đội Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

  1. Anh (2 tàu)

Hải quân Hoàng gia Anh có 2 tàu sân bay là HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales. Hai tàu này cùng được Hải quân Anh đặt hàng vào tháng 5/2008, thuộc lớp Queen Elizabeth, đều có lượng choán nước 65.000 tấn và chiều dài 284 mét. HMS Queen Elizabeth đi vào hoạt động từ năm 2017 còn HMS Prince of Wales 2 năm sau đó.

Những con tàu này được đóng bởi một liên doanh dẫn đầu bởi BAE Systems – doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất ở Anh và châu Âu.

  1. Ý (2 tàu)

Ý cũng có 2 tàu sân bay đang hoạt động. Tàu thứ nhất là Giuseppe Garibaldi, phục vụ Hải quân Ý từ năm 1985. Tàu này hiện có lượng choán nước 14.150 tấn và chiều dài 180,2 mét. Nó từng tham chiến ở Somalia, Kosovo, Afghanistan và Libya. Tàu thứ hai, đồng thời là soái hạm của Hải quân Ý, có tên Cavour. Nó đi vào hoạt động từ năm 2009, có lượng choán nước 27.100 tấn và chiều dài 244 mét.

Nước này cũng đang đóng một tàu sân bay nữa là Trieste, có lượng choán nước 37.000 tấn và chiều dài 245 mét.

  1. Trung Quốc (2 tàu)

Trung Quốc hiện sở hữu 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Trong đó, Liêu Ninh là tàu sân bay cũ của Hải quân Liên Xô, hạ thủy từ năm 1988. Năm 1998, Trung Quốc mua lại tàu này, đóng lại và đưa nó vào phục vụ từ năm 2012. Trong khi đó, Sơn Đông được đóng trong nước theo thiết kế của Liêu Ninh và hoạt động từ năm 2019.

Hiện, Trung Quốc đang đóng một tàu sân bay mới sử dụng thiết kế trong nước, với công nghệ phóng tàu tiên tiến hơn.

  1. Pháp (1 tàu)

Tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của Pháp là Charles de Gaulle. Đây cũng là soái hạm của hải quân nước này và đến nay, đây là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất ngoài Mỹ.

Charles de Gaulle được đóng trong 14 năm (từ 1987 đến 2000) và đi vào phục vụ từ năm 2001. Tàu có lượng choán nước 42.500 tấn ở mức tải tối đa và dài 261.5 mét. Tàu từng tham chiến ở Afghanistan, Libya và chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.

  1. Nga (1 tàu)

Nga đang sử dụng 1 tàu sân bay có tên là Đô đốc Kuznetsov. Đây là soái hạm của Hải quân Nga, được đóng tại Xưởng đóng tàu Biển Đen từ năm 1982 (dưới thời Liên Xô), hạ thủy năm 1985 và đi vào hoạt động từ năm 1991.

Một điều thú vị là tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được xây lại từ Varyag – tàu chị em của Đô đốc Kuznetsov. Varyag chưa hoàn thành khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và sau đó bị Ukraine bán cho Trung Quốc.

  1. Ấn Độ (1 tàu)

INS Vikramaditya – tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ – ban đầu có tên là Baku, một tàu sân bay của Liên Xô đi vào hoạt động từ năm 1987. Sau khi phục vụ Hải quân Liên Xô và sau đó là Hải quân Nga, nó được Ấn Độ mua lại vào năm 2004 cùng các mặt hàng vũ khí khác với giá 2,35 tỷ USD.

Sau khi sửa lại tàu, Hải quân Ấn Độ đưa nó vào hoạt động từ năm 2013, với lượng choán nước 45.400 tấn và chiều dài 284 mét.

  1. Tây Ban Nha (1 tàu)

Tây Ban Nha sở hữu tàu sân bay Juan Carlos I, cũng có thể làm nhiệm vụ là tàu tấn công đổ bộ. Con tàu trị giá 462 triệu euro được đặt hàng từ năm 2003, hạ thủy năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2010.

Juan Carlos I – được đặt theo tên vua Tây Ban Nha từ năm 1975 đến 2014 – có chiều dài 230,82 mét và lượng choán nước 26.000 tấn.

  1. Brazil (1 tàu)

Atlântico là tên của tàu sân bay duy nhất và soái hạm hiện tại của Hải quân Brazil. Được đóng ở Anh với mục đích ban đầu là làm tàu hạ cánh trực thăng cho Hải quân Anh, tàu được nước này sử dụng với cái tên HMS Ocean.

Vào tháng 3/2018, tàu ngừng phục vụ Anh và chuyển sang phục vụ Brazil vào tháng 6 cùng năm. Đây là kết quả của thương vụ mua tàu trị giá 84,6 triệu bảng Anh giữa 2 nước được ký vào cuối năm 2017.

  1. Thái Lan (1 tàu)

Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tàu sân bay, với cái tên HTMS Chakri Naruebet. Dựa trên thiết kế của một tàu sân bay trước đây của Tây Ban Nha, Chakri Naruebet được đặt hàng năm 1992 với giá 285 triệu USD và được Hải quân Hoàng gia Thái Lan đưa vào hoạt động năm 1997.

Đây là tàu sân bay đang hoạt động nhỏ nhất thế giới, với lượng choán nước chỉ 11.486 tấn và chiều dài 182,65 mét.