VNReport»Top»4 loại thuế áp dụng đối với các mặt hàng xăng, dầu

4 loại thuế áp dụng đối với các mặt hàng xăng, dầu

16:30 - 06/06/2022

Mỗi lít xăng đang “gánh” 4 loại thuế, chiếm đến gần 40% trong cơ cấu giá.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục lập những mức kỷ lục, nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân cho rằng liên Bộ Tài chính – Công Thương cần giảm thuế để kìm giá loại nhiên liệu quan trọng này.

Xăng hiện đang phải chịu 4 loại thuế, là thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Các mặt hàng dầu cũng chịu 3 trong số 4 loại thuế đó (trừ thuế tiêu thụ đặc biệt). Từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã giảm 500 – 2.000 đồng/lít, nhưng mức giảm này không đáng là bao so với tổng số thuế mà xăng, dầu đang chịu.

  1. Thuế giá trị gia tăng (10%)

Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng 2008, các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân tại nước ngoài) đều là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Ngoại lệ duy nhất là những trường hợp quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008, và các mặt hàng xăng, dầu không thuộc diện ngoại lệ này.

 

Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với xăng là 10% trên giá bán theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng 2008. Điều này có nghĩa là thuế giá trị gia tăng được tính sau khi cộng thêm các sắc thuế khác gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế bảo vệ môi trường (“thuế chồng thuế”).

Đầu năm nay, Chính phủ đưa ra chủ trương giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có thuế suất 10%. Tuy nhiên, xăng, dầu – cũng như các loại nhiên liệu khác – không thuộc diện được giảm thuế này.

  1. Thuế nhập khẩu (10%)

Hiện, Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn. Theo Bộ Công Thương, nếu chạy đủ công suất, nhà máy Nghi Sơn cung cấp được 35-40% nhu cầu xăng, dầu trong nước còn nhà máy Bình Sơn cung cấp được 35%. Điều này nghĩa là ít nhất 25-30% nhu cầu xăng, dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Và thuế nhập khẩu đánh vào số hàng này là 10%, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.

Đầu năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tuyên bố giảm công suất hoạt động do khó khăn tài chính. Vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu xăng, dầu để đảm bảo nguồn cung.

Nguồn nhập khẩu xăng, dầu lớn nhất của Việt Nam là Singapore – nước có sản lượng lọc dầu thô số một trong khu vực Đông Nam Á – và cơ quan điều hành sử dụng giá xăng, dầu niêm yết tại Singapore làm cơ sở điều chỉnh giá trong nước.

  1. Thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%)

Theo Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi năm 2014), các loại xăng đều phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng sắc thuế này không áp dụng đối với các mặt hàng dầu. Theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 bộ luật trên, thuế suất cụ thể đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% trên giá nhập khẩu tại cảng vào Việt Nam.

Các quan chức của Bộ Tài chính cho biết xăng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì là nhiên liệu hóa thạch, không tái tạo được, gây ô nhiễm môi trường. Một số mặt hàng, dịch vụ khác cũng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm thuốc lá, rượu, bia … vì có hại cho sức khỏe; và ô tô, máy bay, du thuyền … vì những mặt hàng này bị coi là hàng hóa xa xỉ.

  1. Thuế bảo vệ môi trường (300-2.000 đồng/lít)

Trước ngày 1/4/2022, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut đều chịu thuế bảo vệ môi trường theo Khoản 1 Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 với mức thuế từ ​​1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít.

Trước tình hình giá xăng, dầu trong nước tăng cao trong năm nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường cho các mặt hàng này, có hiệu lực từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường; và dầu hỏa giảm 70%. Như vậy, sau nghị quyết này, giá bán lẻ xăng đến tay người tiêu dùng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) được giảm 2.200 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.100 đồng/lít.

Sau khi được giảm sắc thuế này, giá bán lẻ xăng, dầu vẫn tiếp tục tăng và hiện đã cao hơn đáng kể so với mức giá trước khi giảm thuế. Ngoài ra, khi giá xăng, dầu tăng thì số tiền thuế thu được từ các loại thuế tính theo phần trăm (thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng tăng lên, bù đắp cho số thu thuế bảo vệ môi trường – giảm ở mức cố định.