VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ “lạm phát đình trệ”

Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ “lạm phát đình trệ”

10:28 - 08/06/2022

Thiệt hại từ chiến tranh Ukraine và đại dịch Covid-19 nhiều khả năng dẫn tới lạm phát cao và tăng trưởng chậm kéo dài vài năm, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.

Ngân hàng Thế giới (WB) mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, cảnh báo về lạm phát cao và tăng trưởng chậm trong một số năm tới, giống như tình trạng “lạm phát đình trệ” những năm 1970.

Với thiệt hại từ cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch Covid-19, Ngân hàng cho biết tăng trưởng toàn cầu dự kiến ​​giảm xuống 2,9% trong năm 2022 từ 5,7% năm 2021, thấp hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng 4,1% hồi tháng 1. Hơn nữa, tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục ở vùng thấp trong năm 2023 và 2024 do chiến tranh làm gián đoạn hoạt động của con người, đầu tư và thương mại trong khi các chính phủ rút hỗ trợ tài chính và tiền tệ.

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 2,9%, từ mức 4,1% hồi tháng 1.

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 2,9%, từ mức 4,1% hồi tháng 1.

“Hiện, nhiều khả năng sẽ có vài năm lạm phát trên mức trung bình và tăng trưởng dưới mức trung bình”, David Malpass, chủ tịch Nhóm WB, nói với các phóng viên. “Rủi ro từ lạm phát đình trệ là rất lớn”.

Ông Malpass cho biết suy thoái khó tránh khỏi đối với nhiều quốc gia khi tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine, đại dịch ở Trung Quốc và gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại. Cần có những thay đổi trong chính sách tài khóa, tiền tệ, khí hậu và nợ để chống lại sự phân bổ sai vốn và bất bình đẳng, ông nói.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của mình, WB đã tiến hành đánh giá chi tiết các điều kiện kinh tế toàn cầu hiện tại so với tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng yếu – được gọi là lạm phát đình trệ – của những năm 1970. Khi đó, những cú sốc dầu mỏ, chi tiêu chính phủ cao và chính sách tiền tệ nới lỏng khiến lạm phát tăng cao.

Ngân hàng cho biết, sự phục hồi sau lạm phát đình trệ những năm 1970 đòi hỏi lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến lớn phải tăng mạnh, từ đó gây ra một chuỗi khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển.

Các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại về nguy cơ lạm phát đình trệ trong nền kinh tế toàn cầu, có thể gây tổn hại đến mức sống của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Do hậu quả từ đại dịch và chiến tranh, WB cho biết mức thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay sẽ thấp hơn gần 5% so với xu hướng trước đại dịch.

“Giá thực phẩm và năng lượng cao hơn đang gây ra tác động lạm phát đình trệ, cụ thể là làm giảm sản lượng và chi tiêu và làm tăng lạm phát trên toàn thế giới”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong tháng 5. Bà đồng thời lưu ý rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đầy thách thức và không chắc chắn.