VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Foxconn cáo buộc đối thủ lôi kéo lao động ở Việt Nam

Foxconn cáo buộc đối thủ lôi kéo lao động ở Việt Nam

11:29 - 13/06/2022

Cuộc chiến trên thị trường lao động Việt Nam đang gia tăng khi các công ty công nghệ chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Foxconn – đối tác lắp ráp của Apple – đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt cho lao động ở Việt Nam. Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Young Liu cáo buộc các đối thủ lôi kéo công nhân của mình.

Foxconn và các công ty khác đang trong quá trình mở rộng hoặc mở mới hoạt động tại Việt Nam, là một phần trong nỗ lực của Apple nhằm tăng cường hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này dường như đang khiến thị trường lao động Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn.

Foxconn hiện có 60.000 nhân viên tại Việt Nam và sắp tăng “đáng kể” con số đó.

Foxconn hiện có 60.000 nhân viên tại Việt Nam và sắp tăng “đáng kể” con số đó.

Phát biểu với giới truyền thông hôm thứ Bảy, ông Liu nói về thế khó ở Việt Nam khi các công ty đối thủ cũng đang mở hoạt động tại đây. Các đối thủ cạnh tranh của Foxconn trong chuỗi cung ứng được ông Liu cho biết là đang mở những cơ sở sản xuất gần các nhà máy của Foxconn trên khắp Việt Nam, để họ có thể lôi kéo công nhân và hưởng lợi từ nguồn kiến ​​thức và kỹ năng hiện có.

Ông Liu từ chối nêu tên các công ty cụ thể, nhưng khẳng định “Động thái này không nên được chấp nhận”. Hiện, Foxconn có 3 đối thủ đều là các doanh nghiệp Trung Quốc: Luxshare, GoerTek (sản xuất AirPods tại Việt Nam) và BYD.

Chủ tịch Foxconn cho biết hiện công ty có khoảng 60.000 nhân viên tại Việt Nam, và có kế hoạch tăng “đáng kể” con số đó trong 1 hoặc 2 năm tới.

Gần đây, Apple đã nói chuyện với các nhà cung cấp của mình để cố gắng tăng sản lượng bên ngoài Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Động thái này có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở các quốc gia khác như Việt Nam – vốn đã nằm trong chuỗi cung ứng của Apple.

Vào tháng 6, có thông tin rằng Apple đã chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam, nhằm tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng hơn nữa do chính sách “zero Covid” của Trung Quốc.