VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ rơi vào “thị trường gấu”

Chứng khoán Mỹ rơi vào “thị trường gấu”

11:03 - 14/06/2022

Chỉ số S&P 500 giảm gần 4% trong phiên thứ Hai do lo ngại Fed tăng lãi suất nhanh hơn để chống lạm phát. Với việc mất hơn 20% so với đỉnh, chỉ số này chính thức rơi vào “thị trường gấu”.

Cuộc khủng hoảng làm rung chuyển chứng khoán Mỹ trở nên tồi tệ hơn vào thứ Hai khi chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm hơn 20% từ đỉnh – một ngưỡng được gọi là “thị trường gấu”. Điều này sẽ làm phức tạp thêm động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Thước đo rộng nhất của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 3,9%, tương đương 151 điểm, trong phiên hôm qua và hiện thấp hơn 22% so với mức đỉnh ngày 4/1 là 4.796,56. Theo Bespoke Investment Group, đợt bán tháo đã làm bốc hơi hơn 9 nghìn tỷ USD giá trị thị trường, nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD so với trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Lần gần đây nhất S&P 500 rơi vào “thị trường gấu” là vào ngày 12/3/2020 và chạm đáy vào ngày 23/3/2020. Khi đó, chỉ số giảm 33,9% từ mức đỉnh xuống đáy. Trung bình, các “thị trường gấu” chứng kiến ​​mức giảm từ đỉnh xuống đáy khoảng 33,2%, theo Dữ liệu Thị trường Dow Jones.

Chỉ số S&P 500 giảm hơn 22% từ mức đỉnh ngày 4/1.

Chỉ số S&P 500 giảm hơn 22% từ mức đỉnh ngày 4/1.

Trong khi đó, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones đã giảm 16% trong năm nay và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq mất 31% tính đến hết thứ Hai.

Thị trường trái phiếu cũng chứng kiến ​​sự biến động khi lợi suất trái phiếu chính phủ 2 năm có thời điểm lên cao hơn lợi suất trái phiếu 10 năm – một chỉ báo suy thoái kinh tế. Cả 2 lợi suất này hiện đều ở mức cao nhất trong 52 tuần qua.

Cổ phiếu giảm và lợi suất trái phiếu tăng trước quyết định của Fed về lãi suất trong tuần này. Chiều thứ Hai, nhà đầu tư cũng biết tin rằng Fed đang cân nhắc tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm – cao hơn kỳ vọng trước đó, theo tờ Wall Street Journal.

Khả năng tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ đến sau khi lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 5 đạt 8,6%, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế. Họ cũng dự báo lạm phát giá sản xuất, công bố vào thứ Ba, có thể lên đến 11%.

Một điều đáng chú ý nữa là người tiêu dùng đang cảm thấy khó chịu, đặc biệt là về giá xăng cao kỷ lục, vượt trên 5 USD/gallon (khoảng 30.700 đồng/lít) vào cuối tuần. Ngay cả trước mức cao mới đó, chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan sơ bộ trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

“Đánh giá của người tiêu dùng về tình hình tài chính cá nhân của họ xấu đi khoảng 20%. 46% người tiêu dùng nói rằng quan điểm tiêu cực của họ là do lạm phát, tăng từ 38% vào tháng 5; tỷ lệ này chỉ bị vượt qua một lần kể từ năm 1981, trong cuộc Đại suy thoái”, giám đốc cuộc khảo sát Joanne Hsu viết.

“Nếu lạm phát tăng cao hơn, Cục Dự trữ Liên bang không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất”, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, cho biết. “Cục Dự trữ Liên bang cần tăng lãi suất càng cao và càng lâu, thì càng có nhiều khả năng chúng ta rơi vào suy thoái”.

“Có vẻ như lạm phát đang ở lại lâu hơn dự kiến”, Kiran Ganesh, chiến lược gia đa tài sản tại UBS, cho biết. “Mọi người bắt đầu lo sợ rằng Fed sẽ phải hành động mạnh hơn hoặc nhanh hơn về lãi suất”.

Thị trường tiền mã hóa cũng bị bán tháo, một bằng chứng nữa cho thấy nhà đầu tư ngày càng không muốn nắm những tài sản rủi ro. Giá của Bitcoin có lúc rơi xuống dưới 23.000 USD, giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng so với một loạt các đồng tiền khác, với Chỉ số dollar tăng gần 1%. Lãi suất cao hơn của Mỹ thường thúc đẩy giá trị của đồng USD.

Các thị trường chứng khoán khác cũng bán tháo do lo ngại về chính sách thắt chặt hơn của Mỹ và khả năng tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ số Stoxx Europe 600 toàn châu Âu giảm 2,4% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3/2021, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,5%. Các chỉ số chứng khoán ở châu Á gồm Hang Seng của Hong Kong, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc đều giảm hơn 3%. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số CSI 300 mất khoảng 1,2%.