VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành bán hàng đa cấp Việt Nam đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng

Ngành bán hàng đa cấp Việt Nam đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng

14:58 - 19/04/2021

Sau gần 20 năm hình thành, đến nay ngành bán hàng đa cấp Việt Nam đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Theo đại diện Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Cụ thể, tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020, với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ còn đúng 22 doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp như hoạt động của hệ thống Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin…; các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex…

Tại Tọa đàm “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp Việt Nam” vừa được tổ chức, các chuyên gia kinh tế cho rằng hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp có thể mang lại thu nhập và cơ hội thành công cho nhiều người, song người dân cần tỉnh táo phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chính thống và kinh doanh đa cấp bất chính để có nhận thức đúng đắn, tránh các rủi ro không đáng có cả về tài sản và pháp lý.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Theo Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, một doanh nghiệp đa cấp “chuẩn” phải có hệ thống công nghệ thông tin minh bạch, đặt máy chủ tại Việt Nam và có quỹ tối thiểu 10 tỷ đồng. Ngoài ra, sản phẩm kinh doanh đa cấp phải là hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Đại diện Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết nếu một nhà phân phối trong hệ thống không bán được hàng, người này có quyền trả lại sản phẩm trong vòng 30 ngày và hoàn lại tiền. Đây cũng là một điểm khác biệt so với nhiều mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng.

Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…