VNReport»Top»6 chuỗi cửa hàng cà phê lớn ở Việt Nam

6 chuỗi cửa hàng cà phê lớn ở Việt Nam

15:12 - 28/06/2022

Highlands Coffee và các chuỗi cửa hàng cà phê nội chiếm ưu thế trên thị trường. Starbucks là chuỗi ngoại duy nhất có được vị thế đáng kể.

Là một trong những nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam có văn hóa cà phê chủ yếu đến từ những cửa hàng nhỏ lẻ. Nhưng trong những năm gần đây, thị trường bắt đầu chứng kiến sự tham gia của các chuỗi – với những đại diện tiêu biểu như Highlands Coffee hay Phúc Long.

  1. Highlands Coffee

Highlands Coffee là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất ở Việt Nam, với doanh thu năm 2020 cao hơn gấp đôi Phúc Long ở vị trí thứ 2. Theo trang web của mình, chuỗi cho biết có 500 cửa hàng trên khắp toàn quốc ở hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.

Highlands được thành lập năm 1999 bởi David Thái – một doanh nhân Việt kiều sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ. Năm 2011, Tập đoàn Việt Thái – chủ sở hữu Highlands – bán 49% bộ phận kinh doanh ở Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh ở Hong Kong cho tập đoàn Jollibee với mức giá 25 triệu USD. Đây là tập đoàn của Philippines nổi tiếng với chuỗi đồ ăn nhanh cùng tên.

  1. Phúc Long

Phúc Long khai trương 3 cửa hàng đầu tiên tại TP HCM để bán nguyên liệu trà và cà phê. Đến năm 2012, họ chính thức kinh doanh các chuỗi cửa hàng trà và cà phê. Kể từ đó, Phúc Long mở rộng nhanh chóng và hiện có 92 cửa hàng thuộc 9 tỉnh, thành trên toàn quốc, theo dữ liệu tổng hợp từ trang web của chuỗi.

Năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, Phúc Long vẫn tăng trưởng nhẹ về doanh thu, vươn lên vị trí thứ 2 thị trường sau Highlands Coffee, trong khi các đối thủ đều chứng kiến doanh thu giảm vì dịch. Từ năm ngoái, Masan bắt đầu mua lại cổ phần của Phúc Long và tích hợp chuỗi này vào hệ thống bán lẻ WinMart của mình.

  1. Starbucks

Starbucks – chuỗi cà phê lớn nhất thế giới – có hơn 33.000 cửa hàng trên toàn cầu tính đến hết năm 2021. Ở Việt Nam, Starbucks gia nhập thị trường từ năm 2013, và tính đến cuối năm 2021 có 77 cửa hàng – con số được cho là khiêm tốn so với tiềm lực khổng lồ của tập đoàn.

Kết quả kinh doanh của Starbucks Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực do các đợt giãn cách xã hội trong 2 năm qua, với doanh thu và lợi nhuận đều đi xuống.

  1. The Coffee House

The Coffee House được thành lập năm 2014 bởi Nguyễn Hải Ninh – doanh nhân từng đồng sáng lập thương hiệu cà phê Urban Station. Các cửa hàng The Coffee House thiết kế không gian hướng đến giới trẻ và những người làm việc sáng tạo.

Trang web của chuỗi cho biết họ hiện có 155 cửa hàng ở 17 tỉnh, thành phố trên cả nước. Doanh thu của The Coffee House năm 2019 chỉ thua Highlands, nhưng lỗ gần 100 tỷ đồng do chiến dịch mở rộng mạnh tay trước khi Covid-19 bùng phát. Và đó cũng là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của họ thiệt hại nặng hơn các đối thủ trong 2 năm gần đây.

  1. Trung Nguyên Legend

Trung Nguyên Legend là chuỗi cửa hàng cà phê thuộc Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – doanh nghiệp sản xuất cà phê hàng đầu Việt Nam.

Trung Nguyên Legend hướng tới tệp khách hàng cao cấp, với không gian rộng rãi, yên tĩnh, tiện nghi. Chuỗi này do Tập đoàn Trung Nguyên trực tiếp vận hành, khác với chuỗi E-Coffee hoạt động theo mô hình nhượng quyền. Hiện, Trung Nguyên Legend có khoảng 100 cửa hàng trên toàn quốc.

  1. Trung Nguyên E-Coffee

Khác với Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee hoạt động theo mô hình nhượng quyền, hướng đến nhóm khách hàng bình dân hơn với giá cả phải chăng và ít tiện nghi hơn.

Ra mắt từ tháng 8/2019, Trung Nguyên cho biết có hơn 100 cửa hàng E-Coffee trên toàn quốc ngay khi đó, và đặt mục tiêu 3.000 cửa hàng sau một năm. Để đạt được mục tiêu này, Trung Nguyên đưa ra các gói hợp tác linh hoạt để thu hút nhiều đối tác nhượng quyền. Tuy vậy, mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là quá tham vọng khi mới đạt hơn 1.000 cửa hàng E-Coffee trên toàn quốc vào giữa năm 2020.