VNReport»Top»4 cuộc khủng hoảng nợ của Nga từ thế kỷ 20 đến nay

4 cuộc khủng hoảng nợ của Nga từ thế kỷ 20 đến nay

20:04 - 03/07/2022

Nga đã đối mặt với một số cuộc khủng hoảng nợ trong khoảng hơn một thế kỷ qua. Trước năm nay, lần gần đây nhất Moscow vỡ nợ nước ngoài là năm 1918.

Năm 1918, khi chính quyền Xô Viết từ chối trả cho các chủ nợ phương Tây những khoản nợ của Đế quốc Nga, nhà cách mạng Leon Trotsky nhắc họ nhớ về cảnh báo đã được đưa ra từ cuộc cách mạng bất thành năm 1905.

Hơn một thế kỷ sau, Nga lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ khác nhưng lần này không có cảnh báo, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine cắt đứt nước này khỏi các hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu.

Sau đây là những cuộc khủng hoảng nợ lớn của Nga trong khoảng hơn một thế kỷ qua.

  1. 1918: từ chối trả nợ

Ngay trước cuộc cách mạng Tháng Mười năm 1917, Nga là con nợ quốc tế ròng lớn nhất thế giới. Trong thời đế quốc, nước này đã vay rất nhiều để tài trợ cho quá trình công nghiệp hóa và xây đường sắt. Nhưng cho rằng sự thúc đẩy công nghiệp hóa của Nga hoàng không giúp cho giai cấp công nhân, chính quyền Bolshevik từ chối trả tất cả các khoản nợ nước ngoài.

“Họ nói rằng “chúng tôi không trả và ngay cả khi có thể, chúng tôi cũng không trả”. Và đó là một tuyên bố chính trị”, theo Hassan Malik, nhà phân tích cấp cao về nợ quốc gia tại Loomis Sayles và tác giả của cuốn sách “Bankers and Bolsheviks: International Finance and the Russian Revolution” (tạm dịch: “Các chủ ngân hàng và những người Bolshevik: Tài chính quốc tế và Cách mạng Nga”).

Bất chấp lời nhắc nhở của Trotsky, vụ vỡ nợ trên đã gây chấn động thế giới, đặc biệt là ở Pháp – nơi các ngân hàng và người dân thiệt hại nặng nề. “Các nhà đầu tư không coi lời cảnh báo đó là nghiêm túc vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ gây hại quá lớn cho chính nước Nga”, Malik cho biết và ước tính khoản nợ này trị giá ít nhất 500 tỷ USD theo giá năm 2020 và có thể nhiều hơn.

Phải đến giữa những năm 1980, Moscow mới công nhận một phần khoản nợ đó.

  1. 1991: từ Liên Xô đến Nga

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga ngừng trả một phần nợ ở nước ngoài thừa hưởng từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Andrey Vavilov, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga từ năm 1994 đến năm 1997, cho biết Liên bang Nga có khoảng 105 tỷ USD nợ thời Liên Xô vào cuối năm 1992, với khoản nợ thời Nga là 2,8 tỷ USD.

Vavilov đã viết trong cuốn sách “The Russian Public Debt and Financial Meltdowns” (tạm dịch: “Nợ công và các vụ sụp đổ tài chính của Nga”) rằng để Nga chấp nhận khoản nợ thừa hưởng, Câu lạc bộ Paris đã công nhận Nga là một quốc gia chủ nợ thành viên của nhóm. Và khi Nga đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 28 tỷ USD vào năm 1996, nước này được cho phép chuyển các khoản thanh toán nợ lớn từ thời Liên Xô sang thập kỷ tiếp theo.

Nhưng với một cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập kỷ này, phải đến năm 2017, Nga mới trả hết được những khoản nợ từ thời cộng sản.

  1. 1998: vỡ nợ đồng rúp

Đến năm 1997, giá dầu giảm gây thiệt hại lớn cho nguồn thu xuất khẩu của Nga. Nợ nước ngoài, chiếm gần 50% GDP vào năm 1995, đã tăng lên 77% vào năm 1998, theo Vavilov. Ông đổ lỗi cho các khoản vay khổng lồ từ IMF/Ngân hàng Thế giới đóng góp vào núi nợ đó.

Nga không thu được nhiều từ thuế và dựa vào trái phiếu ngắn hạn được gọi là GKO để trang trải chi tiêu. Nhưng họ nhận thấy ngày càng khó để đảo nợ qua công cụ này và ngày càng chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ đồng rúp.

Chris Miller cho biết trong cuốn sách “Putinomics: Power and Money in Resurgent Russia” (tạm dịch: “Kinh tế Putin: Quyền lực và tiền ở nước Nga trỗi dậy”) rằng: “Chính phủ càng khăng khăng rằng họ sẽ hỗ trợ đồng tiền và trả các khoản nợ của mình, thì các nhà đầu tư càng kết luận rằng đã đến lúc phải bán ra”.

Một tháng trước khi vỡ nợ, IMF đã đưa ra một gói viện trợ 22,6 tỷ USD, nhưng “thị trường kỳ vọng có thêm 20 tỷ USD nữa”, Martin Gilman – đại diện IMF tại Moscow vào thời điểm đó – viết trong cuốn sách “No Precedent, No Plan: Inside Russia’s 1998 Default” (tạm dịch: “Không tiền lệ, không kế hoạch: Bên trong vụ vỡ nợ năm 1998 của Nga”).

Vào ngày 17/8/1998, Nga bỏ cuộc, phá giá đồng rúp, thông báo rằng họ không thể trả nợ bằng đồng rúp và đưa ra lệnh tạm hoãn thanh toán 3 tháng đối với một số khoản nợ nước ngoài. Các ngân hàng Nga đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ và có mức tiếp xúc lớn với ngoại tệ sau đó phá sản.

  1. 2022: bị buộc vỡ nợ

Trải qua những khó khăn tài chính nghiêm trọng năm 1998, Moscow vẫn đảm bảo thanh toán trái phiếu ngoại tệ. Nhưng hiện tại, mặc dù có khá nhiều tiền, Nga vẫn vỡ nợ.

Ngày 27/6/2022, các chủ nợ cho biết nước này không thanh toán được các khoản nợ bằng USD và euro cho họ sau khi hết thời gian ân hạn 30 ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga bị coi là vỡ nợ – điều mà các quan chức nước này sau đó phủ nhận.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, tạo ra những trở ngại cho việc thanh toán mà Moscow không thể vượt qua.

Để tránh các lệnh trừng phạt, Điện Kremlin đã đề nghị các chủ nợ nước ngoài mở tài khoản ngân hàng của Nga để nhận thanh toán bằng các loại tiền thay thế cho đồng USD. Nhưng điều này là không thể với các trái chủ người Mỹ, sau khi giấy phép cho phép họ chấp nhận các khoản thanh toán từ Nga hết hạn vào tháng 5.