VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

10:44 - 04/07/2022

Mặc dù tăng trưởng yếu ở Trung Quốc gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, điều đó cũng có thể giúp giảm bớt áp lực lên giá cả.

Tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm trong năm nay khi dịch Covid-19 bùng phát gây ra tình trạng phong tỏa hàng loạt và đóng cửa doanh nghiệp. Chính phủ đã công bố một loạt các chính sách kích thích kinh tế, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% năm 2022 của Bắc Kinh khó có thể đạt được, chừng nào mối đe dọa về các đợt phong tỏa mới vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế.

Một năm yếu kém đối với tăng trưởng của Trung Quốc sẽ kìm hãm hơn nữa nền kinh tế toàn cầu, vào thời điểm mà Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác cũng đang chậm lại do giá cả tăng cao đánh vào chi tiêu của người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.

Nhưng điều đó cũng có thể làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu. Logan Wright – giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group ­­– cho biết: “Trên toàn cầu, điều đó có thể có nghĩa là cần mức điều chỉnh lãi suất ít hơn nhiều để chống lại động lực lạm phát hiện tại”.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại về khả năng phong tỏa mới.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại về khả năng phong tỏa mới.

Đợt tăng giá thực phẩm và hàng hóa thương phẩm do chiến tranh Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát cao do thiếu lao động, chuỗi cung ứng khó khăn và sự bùng nổ nhu cầu hàng tiêu dùng liên quan đến đại dịch.

Lạm phát theo năm đạt 8,6% ở Mỹ vào tháng 5 – mức cao nhất trong 40 năm. Dữ liệu của CME Group cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất chuẩn lên 3,5% vào cuối năm từ mức 1,6% hiện tại.

Ngân hàng Trung ương châu Âu có kế hoạch tăng lãi suất trong tháng này lần đầu tiên sau một thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất chuẩn 5 lần kể từ tháng 12. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ nâng lãi suất chính sách lần thứ hai trong 2 tháng vào tháng Sáu. Ngân hàng Dự trữ Úc tăng lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ vào tháng 5 và tiếp theo đó là lần tăng thứ hai vào tháng trước.

Việc nới lỏng hạn chế phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác ở Trung Quốc trong những tuần gần đây giúp nới lỏng một số nút thắt trong chuỗi cung ứng đã góp phần gây ra lạm phát toàn cầu. Theo công ty công nghệ vận tải hàng hóa FourKites Inc., khối lượng vận chuyển đến Mỹ từ Trung Quốc vào cuối tháng 6 vượt qua mức đầu tháng 3, khi các hạn chế bắt đầu thắt chặt ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến bờ Tây của Mỹ giảm 15% trong tuần tính đến ngày 29/6 so với một tuần trước đó, theo Chỉ số Freightos Baltic, và thấp hơn khoảng 13% so với một năm trước đó.

Khi những nút nghẽn của Trung Quốc giảm bớt, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu hàng tiêu dùng của phương Tây đang giảm dần khi lạm phát ăn sâu vào thu nhập hộ gia đình và người tiêu dùng chuyển chi tiêu sang dịch vụ. Các nhà bán lẻ của Mỹ bao gồm Target và Bed Bath & Beyond cảnh báo về thiệt hại tài chính do lượng hàng tồn kho dư thừa mà người tiêu dùng không muốn nữa. Theo Ingka Holding BV – công ty sở hữu và điều hành hầu hết các cửa hàng IKEA ở châu Âu – những nhà kho của gã khổng lồ nội thất này hiện đầy ắp như trước đại dịch.

Điều đó có thể tạo ra một động lực giảm lạm phát khác: Đối mặt với nhu cầu trong và ngoài nước giảm, các nhà sản xuất tại Trung Quốc có thể giảm giá, đặc biệt nếu họ cũng dư thừa tồn kho và nếu tác động lên tỷ suất lợi nhuận được bù đắp bởi đồng nhân dân tệ yếu hơn. Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc giảm tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 5, xuống còn 6,4% so với một năm trước đó. Tồn kho hàng hóa thành phẩm tại các công ty Trung Quốc trong tháng 4 tăng 20% ​​so với một năm trước – tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc lên lạm phát toàn cầu sẽ không theo một hướng. Chính sách “zero Covid” của Bắc Kinh có thể dẫn đến những đợt phong tỏa mới, tạo ra những nút thắt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Kenneth Rogoff – nhà kinh tế tại Đại học Harvard – cho biết: “Nếu những vấn đề này trở nên tệ hơn, Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất khẩu lạm phát”.

Hàng hóa thương phẩm là một nguồn khác gây ra sự bất ổn. Để tìm cách phục hồi tăng trưởng, các quan chức Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, điều này có thể làm tăng giá toàn cầu đối với quặng sắt, đồng và các nguyên liệu thô khác được sử dụng trong xây dựng. Nếu sự phục hồi của Trung Quốc vượt qua kỳ vọng, điều đó sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu và than.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nghi ngờ Trung Quốc sẽ phục hồi được như sau khi kiểm soát đợt bùng phát lớn đầu tiên của Covid-19 ở Vũ Hán vào năm 2020, do nhu cầu hàng hóa của nước ngoài giảm cũng như sự lo ngại của người tiêu dùng và doanh nghiệp về phong tỏa. Sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng có lẽ không đủ để bù đắp sự yếu kém trong thị trường bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, khi các nhà phát triển nợ nần chồng chất và người tiêu dùng chùn tay khi giá cao.

Shuang Ding – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered ở Hong Kong – cho biết ngay cả khi nhu cầu của Trung Quốc đẩy giá hàng hóa thương phẩm lên, các sản phẩm do nước này sản xuất vẫn “có ý nghĩa hơn” đối với xu hướng lạm phát toàn cầu. Áp lực giảm đối với giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc có nghĩa là tác động ròng của nước này sẽ là giảm lạm phát, ông cho biết.