VNReport»Kinh tế»Đức thâm hụt thương mại lần đầu sau hơn ba thập kỷ

Đức thâm hụt thương mại lần đầu sau hơn ba thập kỷ

09:10 - 05/07/2022

Giá trị nhập khẩu năng lượng của Đức tăng mạnh, trong khi mức thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc cũng cao hơn.

Đức công bố thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ vào tháng 5, cho thấy tác động của chiến tranh Nga-Ukraine đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong tình hình hiện nay, sự phụ thuộc của Đức vào xuất khẩu và sản xuất đã trở thành một điểm yếu.

Sau khi điều chỉnh theo mùa, xuất khẩu hàng hóa của Đức giảm 0,5% so với tháng 4, trong khi nhập khẩu tăng 2,7%. Kết quả là cường quốc công nghiệp này nhập siêu 1 tỷ euro trong tháng 5, sau khi công bố thặng dư 3,1 tỷ euro vào tháng 4 và 13,4 tỷ euro vào tháng 5/2021.

Đây là tháng đầu tiên nhập khẩu vượt xuất khẩu kể từ năm 1991, ngay sau khi nước Đức thống nhất. Sự thay đổi bất ngờ này là một sóng gió nữa đối với nền kinh tế, đang đối mặt với tác động của giá năng lượng cao lên chi tiêu các hộ gia đình và nguy cơ phải phân phối theo định mức khí đốt tự nhiên nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung.

“Dữ liệu vĩ mô gần đây cho thấy mức độ phụ thuộc của Đức về cấu trúc vào nhu cầu nước ngoài cũng như nguồn cung cấp nguyên liệu thô, năng lượng và các sản phẩm trung gian từ nước ngoài”, Oliver Rakau – nhà kinh tế tại Oxford Economics – cho biết. “Trên tất cả các mặt, hiện trạng đang bị thách thức”.

Triển vọng xuất khẩu của Đức có vẻ yếu hơn khi nền kinh tế thế giới chậm lại và lo ngại suy thoái ở Mỹ và châu Âu.

Triển vọng xuất khẩu của Đức có vẻ yếu hơn khi nền kinh tế thế giới chậm lại và lo ngại suy thoái ở Mỹ và châu Âu.

Các dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn do đại dịch, đặc biệt là do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy doanh nghiệp nước ngoài ít gặp khó khăn trong việc bán hàng cho người mua ở Đức.

Paul Donovan – nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management – cho biết: “Nguồn cung rõ ràng đang tràn vào Đức, mặc dù có thể xuất khẩu đang thiếu một số thành phần”.

Sự đảo chiều cán cân thương mại của Đức một phần được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng cao, khi Nga chuẩn bị và sau đó thực hiện cuộc xâm lược Ukraine. Điều đó dẫn đến giá trị nhập khẩu từ Nga và những nhà cung cấp năng lượng khác tăng vọt, trong khi xuất khẩu của Đức sang Nga giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của các chính phủ phương Tây. Trong 5 tháng tính đến tháng 5, nhập khẩu của Đức từ Nga đã tăng 54,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, trong khi xuất khẩu sang nước này giảm 29,8%.

Tuy nhiên, thâm hụt của Đức với Trung Quốc cũng tăng lên trong năm 2022. Vào tháng 5, nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 35% so với tháng 1, trong khi xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc ít thay đổi.

Ngược lại, thặng dư của Đức với Mỹ tăng lên, với xuất khẩu của nước này tăng hơn 1/5 từ tháng 1 đến tháng 5. Nhiều nhà xuất khẩu của Đức tăng cường tập trung vào thị trường Mỹ sau khi chính sách “zero Covid” nghiên ngặt của Bắc Kinh làm mờ đi triển vọng kinh tế của Trung Quốc đầu năm nay.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu dường như đang suy yếu khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái ở Mỹ và châu Âu tăng lên. Một cuộc khảo sát các nhà sản xuất Đức được công bố hôm thứ Sáu cho thấy số đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 6 đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp.