VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát Mỹ tháng 6 tăng kỷ lục lên 9,1%

Lạm phát Mỹ tháng 6 tăng kỷ lục lên 9,1%

09:43 - 14/07/2022

Dữ liệu lạm phát cao hơn dự báo làm gia tăng nguy cơ Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Lạm phát ở Mỹ tháng trước tăng mạnh bất ngờ lên 9,1% trong bối cảnh người tiêu dùng đối mặt với giá xăng kỷ lục, giá thuê nhà tăng vọt và hóa đơn thực phẩm đắt đỏ.

Dữ liệu tháng 6 do Bộ Lao động công bố hôm thứ Tư – cao nhất kể từ tháng 11/1981 – sẽ gây thêm áp lực lên Tổng thống Joe Biden, người đang phải đối mặt với chỉ trích rộng rãi về vấn đề giá cả.

Tốc độ tăng CPI theo năm của Mỹ. Nguồn: Bộ Lao động Mỹ, NYPost.

Tốc độ tăng CPI theo năm của Mỹ. Nguồn: Bộ Lao động Mỹ, NYPost.

Dữ liệu cũng làm dấy lên suy đoán về khả năng Fed tăng lãi suất mạnh hơn. Ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất chuẩn 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1994 sau báo cáo lạm phát cao hơn dự kiến ​​một tháng trước. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào một đợt tăng thêm 0,75 điểm phần trăm nữa vào cuối tháng này, với khả năng tăng 1 điểm là 1/3, theo Bloomberg.

“Trừ khi nền kinh tế hoàn toàn chệch hướng trong 2 tuần tới, quyết định trong tháng 7 rất có thể sẽ là tăng 3/4 điểm phần trăm – và nếu không, mức tăng một điểm có nhiều khả năng hơn nửa điểm”, nhà kinh tế trưởng Bill Adams của Ngân hàng Comerica cho biết.

Theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,3% từ tháng 5 đến tháng 6. Chỉ số CPI cơ bản – không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng ­– là 5,9% theo năm.

Con số của tháng 6 cao hơn dự kiến ​​khi những nỗ lực chính sách ban đầu nhằm giảm giá cả không tạo được tác động. Các nhà kinh tế đã dự đoán mức tăng 8,8% cho tháng 6, theo dữ liệu của Dow Jones. Họ kỳ vọng CPI cơ bản tăng 5,7%.

Giá năng lượng tăng 41,6% kể từ cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ tháng 4/1980. Chỉ số thực phẩm cũng tăng ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 10,4%. Giá thuê nhà, một yếu tố đầu vào quan trọng khác gây ra lạm phát, ­tăng 0,8% từ tháng 5 đến tháng 6 – mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 4/1986.

Thị trường chứng khoán đã rơi vào “thị trường gấu” trong những tuần gần đây – một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang hoài nghi về khả năng chống lạm phát thành công của Fed thông qua việc tăng lãi suất mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Trên toàn nền kinh tế, người tiêu dùng, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý đều đặt ra cùng một câu hỏi: Khi nào thì lạm phát sẽ đạt đỉnh?”, nhà phân tích kinh tế cấp cao Mark Hamrick của Bankrate cho biết. “Các quan chức ngân hàng trung ương đã không chuẩn bị sẵn sàng và hiện phải cố đuổi kịp và khôi phục một phần uy tín đã mất của họ”.

Theo Nancy Davis ­– người sáng lập Quadrate Capital Management – dữ liệu mới nhất làm tổn hại hơn nữa uy tín của Fed và đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của cách tiếp cận hiện tại đối với vấn đề. “Fed vẫn chậm chân và tiếp tục xem lạm phát chỉ dựa trên cung và cầu. Họ tiếp tục cố gắng giải quyết lạm phát từ phía cầu”, bà Davis nói. “Không rõ bằng cách nào ngân hàng trung ương đưa lạm phát trở lại bình thường mà không gây ra nhiều thiệt hại”.

Trước khi dữ liệu lạm phát được công bố, các quan chức Nhà Trắng đã bắt đầu một chiến dịch kiểm soát thiệt hại. Các cố vấn kinh tế hàng đầu của Biden là Brian Deese và Cecilia Rouse lưu ý trong một bản ghi nhớ rằng dữ liệu “phần lớn sẽ không phản ánh sự sụt giảm đáng kể của giá xăng mà chúng tôi nhận thấy từ giữa tháng 6”.