VNReport»Kinh tế»Tài chính»Euro rơi xuống thấp hơn giá USD

Euro rơi xuống thấp hơn giá USD

09:51 - 15/07/2022

Đồng euro có thời điểm rơi xuống dưới đồng USD trong phiên giao dịch hôm qua, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Các động lực thị trường cho thấy đây nhiều khả năng chưa phải là mức đáy của đồng tiền chung châu Âu.

Giá của đồng euro trượt xuống dưới đồng USD lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Nhưng không giống như khi đó, lần này, không có ai đứng ra giải cứu đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU).

Đồng euro giảm giá 0,4% so với đồng USD hôm thứ Năm. Mặc dù đóng cửa trên mức ngang giá, một euro có thời điểm chỉ mua được 0,9981 USD – mức yếu nhất của đồng tiền này kể từ năm 2002. Đồng euro liên tục giảm giá trong năm nay và tình trạng bán tháo gia tăng trong những ngày gần đây khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, điều mà nhiều người lo sợ sẽ đẩy khu vực vào một cuộc suy thoái sâu. Điều thúc đẩy đồng euro xuống thấp hơn nữa hôm thứ Năm là một cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Ý.

Đồng euro lần đầu tiên rơi xuống dưới USD kể từ năm 2002. Nguồn: TradingView.

Đồng euro lần đầu tiên rơi xuống dưới USD kể từ năm 2002. Nguồn: TradingView.

Việc 2 đồng tiền ngang giá phần lớn mang tính biểu tượng đối với các nhà đầu tư và dự kiến ​​sẽ có tác động hạn chế đến thị trường tài chính. Nhưng đồng euro yếu ảnh hưởng đến nền kinh tế của khu vực. Nó làm tăng chi phí nhập khẩu và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát vốn đã cao của châu Âu trong khi khiến hàng xuất khẩu của khu vực rẻ hơn trên thị trường quốc tế. James Athey, giám đốc đầu tư tại Abrdn cho biết: “Điều đó cho thấy đây là một tình huống khủng khiếp đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu”. Ông cho rằng đồng euro có thể giảm xuống 0,9 USD hoặc thấp hơn trong ngắn hạn.

Đồng euro yếu gợi nhớ về ký ức đầu những năm 2000 – khi đồng tiền này mới bắt đầu xuất hiện. Đồng tiền mới khi đó giao dịch dưới đồng USD và bị ảnh hưởng bởi “cuộc khủng hoảng niềm tin”, theo Carsten Brzeski – nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại ING. Vào thời điểm đó, các ngân hàng trung ương toàn cầu buộc phải vào cuộc để giúp ngăn chặn đà trượt giá của đồng euro, điều mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu. Phải mất gần 3 năm để đồng euro trở lại được trên mức ngang giá. Nó được giao dịch trên đồng USD kể từ đó, ngay cả trong suốt cuộc khủng hoảng nợ quốc gia vào đầu những năm 2010 của khối.

Lần này, điểm yếu của đồng euro không phải là niềm tin vào nó như một loại tiền tệ mà là một loạt các vấn đề kinh tế, bao gồm cả khủng hoảng năng lượng của khối, ông Brzeski nói. Đồng euro yếu cũng là mặt trái của sức mạnh trên diện rộng của đồng USD, hiện có giá so với các đồng tiền khác cao nhất trong hàng thập kỷ.

Đồng euro liên tục giảm giá trong năm nay.

Đồng euro liên tục giảm giá trong năm nay.

Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã báo hiệu rằng họ chấp nhận một đồng USD mạnh, có thể giúp đỡ cuộc chiến chống lạm phát. Điều đó làm cho việc can thiệp một cách phối hợp của các ngân hàng trung ương để hỗ trợ đồng euro ít có khả năng xảy ra hơn.

Một nguyên nhân thúc đẩy đồng USD tăng giá là sự mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – có ý định tăng lãi suất để chống lạm phát mạnh hơn các ngân hàng trung ương khác. Tiền có xu hướng đổ vào các nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng và lãi suất cao hơn, và đồng USD mạnh có thể giúp giảm lạm phát, chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Quốc hội Mỹ vào tháng trước.

Ở bên kia Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gây áp lực giảm giá lên đồng USD khi hành động chậm hơn trong việc tăng lãi suất so với Fed. Đồng euro đã mất hơn 1/10 giá trị so với đồng USD trong năm nay và có thời điểm giảm xuống dưới 1 USD vào thứ Tư trên một số nền tảng giao dịch ngoại hối.

ECB dự kiến ​​tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm phần trăm vào tuần tới, lên -0,25%, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Ngược lại, sau báo cáo lạm phát tháng 6 tăng vọt ở Mỹ, Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất chính sách của mình có thể đến 1 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,5% đến 2,75% trong tháng này.

Đồng euro yếu hơn khiến hàng hóa xuất khẩu của châu Âu rẻ hơn, đồng thời giúp thu hút khách du lịch nước ngoài đến các bãi biển và khu nghỉ dưỡng của Hy Lạp và Tây Ban Nha. Nhưng điều đó bị áp đảo bởi sự gia tăng lớn trong giá cả hàng nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng và nguyên liệu thô, hầu hết được định giá bằng USD, theo giới phân tích. Điều đó đang làm tăng lạm phát trên toàn khối. Sonja Marten ­– người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ và ngoại hối tại Ngân hàng DZ ở Frankfurt – cho biết: “Giá nhập khẩu và giá sản xuất tăng quá mức làm lu mờ bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà các nhà xuất khẩu có thể kiếm được do đồng tiền yếu hơn”.

Nhà đầu tư lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng việc bảo dưỡng đường ống khí đốt Nord Stream như một cơ hội để cắt dòng khí đốt đến châu Âu.

Nhà đầu tư lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng việc bảo dưỡng đường ống khí đốt Nord Stream như một cơ hội để cắt dòng khí đốt đến châu Âu.

Năng lượng giá rẻ của Nga là một yếu tố quan trọng cho sức mạnh công nghiệp của châu Âu. Giờ đây, các nhà đầu tư lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng việc bảo dưỡng bắt đầu từ hôm thứ Hai trên đường ống khí đốt Nord Stream như một cơ hội để cắt đứt dòng khí đốt đó đến Đức. Bất chấp những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga sau cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine, EU vẫn phụ thuộc vào Nga cho khoảng 20% ​​nguồn cung khí đốt trong tháng 6, theo viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels. Nga đã cắt nguồn cung cho các nước thành viên EU bao gồm Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan và giảm dòng chảy sang Đức.

Đồng euro yếu làm phức tạp thêm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của ECB. Trong những tuần gần đây, một số quan chức ECB công khai báo hiệu rằng họ muốn có một đồng euro mạnh hơn, gợi ý rằng ngân hàng trung này có thể sẵn sàng tăng lãi suất nhanh hơn. Nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, nhấn mạnh sự yếu kém của đồng euro tại cuộc họp chính sách mới nhất của ngân hàng vào tháng 6. Cũng tại cuộc họp đó, các quan chức ECB đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất lớn hơn trong tháng này, theo biên bản họp công bố vào tuần trước.

Nhưng sự phản kháng của ECB khá hạn chế, cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn khá thoải mái về biến động giá ngắn hạn của đồng euro. Đối với ECB, “không phải mức tỷ giá tuyệt đối mới là yếu tố quyết định, mà là động lực và tốc độ của chuyển động giá”, bà Marten nói. “Một sự can thiệp quá sớm vào một thị trường được định hướng bằng các yếu tố cơ bản có thể thất bại và do đó gây nguy hiểm cho danh tiếng của ECB”.

Bất kỳ động thái nào nhằm tăng lãi suất mạnh đều có thể đe dọa làm gia tăng sự mất cân bằng lâu dài trong khối đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ quốc gia. Chi phí đi vay ở Nam Âu tăng cao hơn nhiều so với ở Đức sau khi ECB công bố kế hoạch vào tháng 5 cho một loạt các đợt tăng lãi suất dần dần. Những lợi suất đó giảm trong những tuần gần đây sau khi ECB thông báo vào tháng trước rằng họ đang phát triển một công cụ mua trái phiếu mới để ngăn chặn tình trạng “phân mảnh” giữa các quốc gia, dự kiến ​​sẽ công bố sau cuộc họp chính sách ngày 21/7.

Kiran Ganesh – chiến lược gia đa tài sản tại UBS – tin rằng đồng euro sẽ phục hồi so với đồng USD khi thị trường tập trung chuyển sang triển vọng Fed giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại. Trên hết, giá rẻ của đồng euro cuối cùng sẽ khiến người mua quay trở lại. “Nếu đồng USD trở nên quá mạnh, thì đến một lúc nào đó, Mỹ bắt đầu mất đi sự hấp dẫn như một điểm đến đầu tư vì mọi thứ đều trở nên đắt đỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông nói. “Cuối cùng, mọi thứ ở châu Âu sẽ trở nên quá rẻ so với ở Mỹ”.