VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các doanh nghiệp thép mất hơn 4 tỷ USD vốn hóa

Các doanh nghiệp thép mất hơn 4 tỷ USD vốn hóa

12:12 - 19/07/2022

Giá thép giảm liên tục và chi phí đầu vào cao khiến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thép trở nên u ám.

Vốn hóa của các doanh nghiệp thép sụt giảm hàng tỷ USD khi nhà đầu tư lo ngại về chu kỳ kinh doanh đi xuống của ngành, trong bối cảnh giá thép trong nước đã giảm 9 lần liên tiếp.

Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu đà lao dốc của ngành khi cổ phiếu HPG giảm gần 36% so với đầu năm, về 22.600 đồng. Vốn hóa thị trường theo đó bốc hơi hơn 72.800 tỷ đồng xuống còn 131.400 tỷ đồng. Điều đó gây thiệt hại lớn cho Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, người trực tiếp sở hữu gần 1,52 tỷ cổ phiếu HPG – giảm giá trị hơn 18.850 tỷ đồng (804 triệu USD).

Hoa Sen cũng chứng kiến thị giá cổ phiếu HSG chỉ còn 17.750 đồng, tương ứng giá trị vốn hóa thị trường mất khoảng 8.850 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp ngành thép khác cũng lao dốc với giá trị đáng kể khác như Thép Việt Nam (TVN) mất 5.600 tỷ đồng, Nam Kim (NKG) mất 3.100 tỷ đồng, Pomina mất 2.100 tỷ đồng. Hay Tisco, Đại Thiên Lộc, SMC, Thép Tiến Lên, Thép Việt Đức đều chứng kiến giá trị vốn hóa bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

Giá thép trong nước giảm 9 lần liên tiếp trong khoảng hơn 2 tháng qua.

Giá thép trong nước giảm 9 lần liên tiếp trong khoảng hơn 2 tháng qua.

Trong số 17 doanh nghiệp ngành thép có giá trị vốn hóa từ 100 tỷ đồng trở lên, chỉ có mã VCA của Thép Vicasa đi ngược chiều khi tăng tới 15.000 đồng, tương ứng vốn hóa tăng nhẹ lên 228 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa của các doanh nghiệp còn lại trong nhóm này đều giảm mạnh, tổng cộng giảm hơn 100.000 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD).

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán chung, nhưng lý do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngành thép còn đến từ lo ngại triển vọng nhu cầu thấp và chi phí sản xuất cao.

Chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá than cốc (nguyên liệu chính để sản xuất thép) tăng đột biến trong khi nhu cầu của Trung Quốc (nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới) giảm do phong tỏa Covid-19. Điều này khiến giá thép thế giới giảm mạnh: giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU giảm khoảng 35% và tại Trung Quốc cũng giảm 15-20%.

Ở thị trường trong nước, giá thép xây dựng đã giảm 9 lần liên tiếp trong khoảng hơn 2 tháng qua với tổng mức giảm lến đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và loại sản phẩm. Hiện, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát lần lượt là 15,99 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn.

SSI Research đánh giá rằng sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II, nhưng có khả năng giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại, trước lo ngại giá thép giảm và xu hướng bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu.

Ở trong nước, nhu cầu thép 5 tháng đầu năm giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính riêng trong tháng 4 và tháng 5, lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) giảm khoảng 32%.

Nhu cầu giảm có thể là do 3 yếu tố. Thứ nhất là giá thép cao và chi phí tăng của các vật liệu xây dựng khác làm đình trệ hoạt động xây dựng. Sau đó, lo ngại về giá thép đạt đỉnh khiến các nhà phân phối phải tạm dừng tích trữ hàng tồn kho. Cuối cùng, các chính sách quản lý thắt chặt dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Tình hình tiêu cực bắt đầu được phản ánh trong báo cáo kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp ngành thép. Chẳng hạn, Thép Mê Lin báo lãi chỉ gần 1,7 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ quý II/2021.

Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) ghi nhận doanh thu giảm 10% trong quý vừa qua, còn gần 3.200 tỷ đồng. Chi phí sản xuất cao khiến lợi nhuận gộp chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm trước và từ đó đẩy lợi nhuận sau thuế giảm 90%, chỉ còn chưa đầy 6 tỷ đồng.

Một công ty lớn khác là SMC Trading vẫn ghi nhận doanh thu tăng hơn 6.600 tỷ đồng, nhưng chi phí đầu vào tăng đột biến khiến lợi nhuận gộp giảm sâu tới 70%. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 92% xuống 42 tỷ đồng.

Công ty Thép Thủ Đức còn ghi nhận khoản lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý II, so với mức lãi 34 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết rằng việc giá bán và lượng tiêu thụ giảm dẫn đến ngừng sản xuất, trong khi giá nguyên liệu tồn kho cao đã ảnh hưởng đến giá vốn. Ngoài ra, việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng đến dòng tiền, cùng với việc thắt chặt tín dụng, đẩy lãi suất lên cao so với cùng kỳ, kéo theo chi phí tài chính tăng cao.