VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Đặc sản rau rừng giá cao vẫn “cháy hàng”

Đặc sản rau rừng giá cao vẫn “cháy hàng”

12:03 - 22/04/2021

Tuy giá bán các loại rau rừng như: ngót rừng, rau dớn, bò khai, măng sặt… đắt nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này khá mạnh.

Những sản phẩm rau rừng này không được bày bán ngoài chợ như những loại nông sản khác, mà thường được bán online trên các trang mạng xã hội hoặc cửa hàng thực phẩm sạch.

Qua khảo sát một số cửa hàng chuyên kinh doanh rau rừng được người bán hàng giới thiệu là rau rừng Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai… cho thấy, giá các loại rau này từ 40.000 – 200.000 đồng/kg. Cụ thể, rau bò khai được bán với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, rau tầm bóp 40.000 đồng/kg, rau pắc khỉ 60.000 đồng/kg, măng sặt có giá 80.000 đồng/kg, măng đắng 60.000 đồng/kg, rau tập tàng rừng 200.000 đồng/kg. Đặc biệt rau sắng (rau ngót rừng) thu mua tại các tỉnh miền núi Tây Bắc và chùa Hương (huyện Mỹ Đức – Hà Nội) có giá bán lên tới 170.000 – 180.000 đồng/kg, hoa rau ngót 200.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt ba chỉ bò Mỹ. Nếu so với giá gà công nghiệp, giá rau này đắt gấp 10 lần.

Rau ngót rừng đắt hơn cả thịt ba chỉ bò Mỹ

Lý giải nguyên nhân khiến giá bán các loại rau rừng giá cao ngất ngưởng, chị Lò Thị Yến (thị trấn Mộc Châu – Sơn La) cho biết, rau rừng hoàn toàn thu hái từ thiên nhiên nên số lượng thu hoạch không nhiều, ngoài ra vận chuyển về đến Hà Nội mất nhiều thời gian, đồng thời chỉ có thể bảo quản tươi mới trong vòng 1 – 2 ngày, trong thời gian này nếu không bán hết thì phải đổ bỏ bởi rau khô héo. Chi phí vận chuyển, hao hụt được cộng vào giá bán nên giá thành bị đội lên cao.

Anh Huỳnh Anh Dũng, chủ cửa hàng rau rừng Đại ngàn ở phố Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, do rau mọc tự nhiên và cũng tùy vào lượng thu hái mỗi ngày của bà con dân tộc chuyển xuống nên những loại rau rừng thường không có đều như rau trồng ở dưới xuôi. Đồng thời, do chi phí vận chuyển từ miền núi về nên đẩy giá thành lên cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã sử dụng rau rừng ăn quen rồi lại hay bị “gây nghiện” vì rau mỗi loại rau rừng có vị đặc trưng riêng như, chát chát, ngọt ngọt, hơi ngăm ngăm đắng.

Mặc dù, giá rau rừng được bán với giá khá cao nhưng sức mua khá mạnh. Theo một đầu mối chuyên cung cấp rau rừng ở Hà Nội cho biết, mỗi ngày, cửa hàng chị bán ra thị trường 80 kg măng rừng, 1 tạ rau bò khai, dự kiến vào thời điểm thu hoạch cao điểm lượng rau tiêu thụ có thể lên tới 300 – 400 kg bởi lúc đó giá bán sẽ giảm 30-40% so với thời điểm hiện tại. Không chỉ là món ăn được nhiều gia đình ưa chuộng, rau rừng còn được đưa vào thực đơn, trở thành món ăn đặc sản của nhiều nhà hàng, quán ăn.

Chị Nguyễn Minh Hương, chủ một quán ăn Tây Bắc ở phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng cho biết, khách đến nhà hàng rất thích gọi các món ăn được chế biến từ rau rừng, nên tuần 2 lần (tùy theo lượng khách có thể 3 lần) nhà hàng phải đặt mua các loại rau rừng về chế biến.

Trong khi đó, tại Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng, các hợp tác xã giới thiệu đặc sản vùng miền cho biết, trong thời gian tham gia hội chợ, trung bình 1 ngày người dân tiêu thụ vài tạ rau rừng các loại. Ngay trong ngày khai mạc, người dân khu đô thị Times City đã tiêu thụ hết toàn bộ lượng rau, các cửa hàng bầy bán phải giữ lại vài mớ rau để giới thiệu sản phẩm.

Thực tế, lý do khiến mặt hàng rau rừng được săn đón mặc dù giá bán không rẻ là bởi vài năm gần đây cuộc sống người dân đang được nâng cao, nhu cầu ăn thực phẩm sạch của người dân ngày càng tăng nên rau rừng đã trở thành món ăn ưa chuộng, đặc sản nơi phố thị.